Bác sĩ tâm lý Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết rối loạn điều hòa cảm giác thường gặp ở trẻ rối loạn tự kỷ. Trẻ thường có phản ứng quá mức hay thấp hơn ngưỡng đối với các giác quan như xúc giác, cảm giác đau, cảm giác vùng miệng, chuyển động, thính giác và khứu giác.
Trẻ thường không muốn được ôm ấp, đứng gần trong lúc xếp hàng hay tránh một vài vật dụng trong lớp học, dẫn đến hiểu lầm hoặc phản ứng từ bạn bè. Một số trẻ tự kỷ không đáp ứng với đau nên khi ngã hay bị đánh đã không có phản ứng phù hợp hoặc phản ứng chậm hơn so với trẻ khác. Ngược lại một số trẻ khác lại phản ứng quá mức với sang thương nhỏ không gây đau.
Trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn ở lớp học do rối loạn điều hòa cảm giác. Ảnh: Lê Phương. |
Theo bác sĩ Trang, bên cạnh cảm giác đau, một số trẻ tự kỷ nhạy cảm với ánh sáng lóng lánh và có thể bị căng thẳng nếu điều này kéo dài quá lâu. Trẻ thường dễ bị xao nhãng hay nhìn chằm chằm vào ánh sáng nhấp nháy. Nhiều học sinh đang ở trong lớp có thể tự tìm kích thích ở môi trường xung quanh như sợi dây trang trí, đèn chiếu sáng. Một số khác nhạy cảm với nhiều loại thức ăn hay thích thử nhiều món khác nhau. Mùi thơm cũng có khi gây nhạy cảm ở trẻ tự kỷ nên bé phản ứng ngược vì quá bị ám ảnh và lo âu căng thẳng thay vì thích thú.
Một số trẻ thích chạy nhảy leo trèo vì đi tìm kích thích có tính chuyển động. Bé không thể đứng yên lâu, luôn nhảy từ bàn ngày sang bàn khác. Không ít trường hợp trẻ phản ứng quá mức với âm thanh trong khi bé bình thường không quan tâm đến. Những tiếng động sẽ gây căng thẳng, lo âu cho trẻ từ đó có thể làm trẻ xao nhãng việc học. Ngược lại một số khác thì không hề phản ứng với âm thanh hay tiếng động như gọi tên trẻ.
Trẻ tự kỷ cần được can thiệp điều hòa cảm xúc, hiểu những khó khăn trẻ gặp, đặc biệt là trong lớp học để có cách thích ứng và định hướng kịp thời. Với mỗi loại cảm xúc của bé, cần những phương pháp can thiệp phù hợp. Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang sẽ giúp phụ huynh tìm hiểu những phương pháp này vào ngày 17/12 tại Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP HCM, 59B Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Đăng ký tham dự qua điện thoại 0913 70 22 35.