Home » Khỏe và đẹp » Người dùng bảo hiểm y tế được tăng quyền lợi trong năm 2017

Người dùng bảo hiểm y tế được tăng quyền lợi trong năm 2017

Buổi tư vấn trực tuyến ‘Những điểm mới của bảo hiểm y tế năm 2017’ diễn ra sáng nay nhận được hàng trăm câu hỏi của độc giả. Các câu hỏi chủ yếu xoay quanh các vấn đề: những lưu ý khi mua bảo hiểm, quyền lợi người tham gia, giá viện phí tăng…

Trong thời lượng 2 giờ diễn ra chương trình, Tiến sĩ Hà Văn Thúy – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã giải đáp nhiều thắc mắc của độc giả liên quan tới những điểm mới của bảo hiểm y tế 2017. Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:

nguoi-dung-bao-hiem-y-te-duoc-tang-quyen-loi-trong-nam-2017

Tiến sĩ Hà Văn Thúy – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế và Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức.

– Người dân lưu ý gì khi mua và sử dụng bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh? Nguyễn Nga, 50 tuổi

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường – Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức: 

Khi mua bảo hiểm y tế người dân cần tham khảo để biết những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ví dụ, bạn nên mua theo hộ gia đình. Trong hộ gia đình, người đầu tiên mua sẽ đóng 100% mệnh giá, người thứ hai đóng 70%, người thứ ba đóng 60%, người thứ 4 đóng 50%. Từ người thứ 5 trở lên, chỉ phải đóng 40%. Đối với hộ cận nghèo, được hỗ trợ tới 70% mức đóng. Vì vậy, những hộ cận nghèo khi đi mua bảo hiểm nên xuất trình giấy tờ liên quan để được hưởng hỗ trợ. Ngoài ra, khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, người dân cũng cần tìm hiểu để biết rõ quyền lợi cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. 

– Cho em hỏi nếu em đăng ký BHYT ở Bệnh viện Tân Bình nhưng em muốn đi khám ở Bệnh viện 175 thì mức phí bảo hiểm chi trả là bao nhiêu? Em cám ơn. Nguyễn Thị Ngọc Thúy, 26 tuổi, TP HCM

Tiến sĩ Hà Văn Thúy – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế: 

Bệnh viện 175 là bệnh viện tuyến Trung Ương. Theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 22, luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 ngày 13 tháng 6 năm 2014, tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú.

Trong trường hợp của bạn có 2 hướng:

– Nếu người bệnh được chuyển viện đúng tuyến thì được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú, theo phạm vi và mức hưởng của người tham gia.

– Trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú, theo phạm vi và mức hưởng đó.
 

nguoi-dung-bao-hiem-y-te-duoc-tang-quyen-loi-trong-nam-2017-1

– Viện phí tăng ảnh hưởng thế nào đến bệnh nhân không có bảo hiểm y tế? Hoàng Yến, 22 tuổi

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: 

Trước đây, Nhà nước thực hiện chính sách thu một phần viện phí, phần còn lại cấp trực tiếp cho các cơ sở khám chữa bệnh. Theo lộ trình, nhà nước sẽ điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ. Phần ngân sách sẽ dùng hỗ trợ cho các đối tượng chính sách mua thẻ bảo hiểm y tế, chi cho y tế dự phòng… Vì vậy, người không có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi khuyên các bạn nên cân đối ngân sách của bản thân và gia đình để mua thẻ bảo hiểm y tế cho mình và những người thân. Bạn cũng không nên lựa chọn chỉ mua bảo hiểm cho những người sức khỏe yếu vì bệnh tật và tai nạn, rủi ro luôn đến bất ngờ, không định trước.

– Bộ Y tế giải quyết những khó khăn hiện nay trong thủ tục chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh nhân như thế nào? Văn Hoàng, 40 tuổi

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: 

Trong năm 2017, Nhà nước sẽ ban hành nghị định mới hướng dẫn thực hiện luật bảo hiểm y tế. Dự kiến có nhiều quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh được hưởng chế độ ngay tại bệnh viện. Ví dụ, người khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh được các chuyên gia y tế ở bệnh viện tuyến trên trực tiếp điều trị (thực hiện các kỹ thuật chuyển giao hoặc hợp đồng khám chữa bệnh với tuyến tỉnh) sẽ được hưởng chế độ ngay tại bệnh viện.

– Chính sách đồng chi trả bảo hiểm y tế thế nào? Phương Thúy, 35 tuổi

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: 

Ngoài một số nhóm đối tượng không phải thực hiện đồng chi trả như người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi… nhóm còn lại sẽ phải trả 5% hoặc 20% chi phí khám chữa bệnh. Việc thực hiện đồng chi trả góp phần đê người bệnh cùng tham gia đóng góp chi phí cũng như cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị cho bản thân một cách hợp lý, tránh lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế.

nguoi-dung-bao-hiem-y-te-duoc-tang-quyen-loi-trong-nam-2017-2

– Với tình hình luật thay đổi về bảo hiểm y tế như hiện nay thì người dân sẽ được lợi gì? Trần Trọng Khiêm, 40 tuổi, Long An

Ông Hà Văn Thúy: 

Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế có một số quy định tăng quyền lợi của người tham gia BHYT như:

– Tăng mức hưởng của một số nhóm đối tượng như người nghèo từ 95% lên 100%, cận nghèo từ 80 lên 95%…

– Từ ngày 1/1/2016, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng như trong trường hợp khám bệnh đúng tuyến.

– Người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến huyện được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng từ ngày 1/1/2016.

– 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

– Bãi bỏ quy định, quỹ BHYT không thanh toán trong trường hợp “khám chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra”.

– Bảo hiểm y tế của em do Bảo hiểm Hà Nội cấp (làm chung của cơ quan hội sở tại Hà Nội), đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại phòng khám A. Đến lúc đau đi khám tại phòng khám B (2 phòng khám ngang cấp) nhưng bị từ chối, lý do bảo hiểm do Hà Nội cấp không đi khác nơi đăng ký khám ban đầu được. Năm 2017 quy định này có khác không? Phạm Thị Thành, 32 tuổi, 153 Trần Phú, Diêu Trì, Tuy Phước, Bình Định

Bà Nguyễn Thị Bích Hường : 

Theo quy định hiện hành, bạn sẽ được hưởng quyền lợi khi khám tại phòng khám B, bạn có thể gửi hồ sơ về bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội để đề nghị thanh toán lại toàn bộ chi phí. 

– Hộ nghèo có được hưởng chính sách ưu đãi gì khi mua BHYT không ạ? Hà Anh, 32 tuổi, Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Bích Hường : 

Chào bạn! Những hộ nghèo sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm y tế. Nếu bạn thuộc đối tượng này nhưng chưa được cấp, bạn có thể đề nghị với địa phương nơi bạn đang sinh sống và đăng ký thường trú để lập hồ sơ đề nghị cấp thẻ. 

nguoi-dung-bao-hiem-y-te-duoc-tang-quyen-loi-trong-nam-2017-3

– Tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế hiện nay thế nào? Nhật Minh, 30 tuổi

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: 

Tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế hiện nay có xảy ra và từ nhiều phía. Ví như phía các cơ sở khám chữa bệnh chỉ định sử dụng thuốc, vật tư, dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết. Hoặc một số người thường xuyên đi khám chữa bệnh dù tình trạng sức khỏe không thực sự cần thiết.

Để giải quyết tình trạng này, cần nhiều giải pháp đồng bộ như xây dựng các quy định chuyên môn; quy định về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đồng thời, các cơ quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục để người có thẻ bảo hiểm y tế cùng phối hợp, tham gia thực hiện đúng quy định, góp phần cân đối quỹ.

– Xin Phó vụ trưởng có thể giải thích thêm việc tăng 30-50% giá dịch vụ ngoài bảo hiểm là như thế nào ạ? Tuấn Minh, 30 tuổi, TP HCM

Ông Hà Văn Thúy: 

Trước đây, giá dịch vụ y tế chỉ tính 3/7 yếu tố cấu thành, đó là tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao; tiền điện, nước, xử lý chất thải; tiền duy tu bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ , dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ. Trong giá viện phí chưa tính tiền lương, phụ cấp, khấu hao tài sản…

Thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về đổi mới phương thức chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế theo hướng chuyển dần từ cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ đóng cho người tham gia BHYT cùng với việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Hiện nay mới chỉ thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế đối với người bệnh có thẻ BHYT. Dự kiến trong năm 2017 sẽ thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế đối với người chưa có BHYT. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng tính đủ sẽ làm các dịch vụ y tế tăng giá cao hơn so với hiện nay.

– Trường hợp nào bảo hiểm y tế không chi trả? Hoàng Anh, 40 tuổi

Ông Hà Văn Thúy: 

Theo quy định tại điều 23 của Luật BHYT các trường hợp không được hưởng BHYT bao gồm:

– Các chi phí thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng đã được ngân sách nhà nước chi trả.

– Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.

– Khám sức khỏe.

– Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.

– Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.

– Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.

– Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt.

– Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

– Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng đối với bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, thảm họa.

– Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.

– Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

– Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.

– Giá viện phí tăng ảnh hưởng thế nào đến bệnh nhân có bảo hiểm y tế? Mai Liên, 50 tuổi

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: 

Người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được hưởng lợi nhiều khi giá viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ. Thứ nhất, bạn sẽ được hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt cả về chuyên môn và phục vụ vì giá viện phí tính đủ  khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh phấn đấu nâng cao chất lượng. Các cơ sở sẽ có nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Nhân viên y tế cũng phấn đấu phục vụ tốt người bệnh.  

Thứ hai, khi giá viện phí tính đủ, người bệnh cũng không phải trả thêm các khoản phí trước đây chưa quy định trong giá. Phần chênh lệch tăng giá, người bệnh chỉ phải đồng chi trả 0 – 5 – 20%, phần còn lại đã được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Vì vậy, phần chi trả thêm không quá nhiều.

nguoi-dung-bao-hiem-y-te-duoc-tang-quyen-loi-trong-nam-2017-4

– Con tôi đăng ký bảo hiểm y tế ở huyện. Nếu chuyển viện lên bệnh viện tuyến trên, con tôi được hưởng bảo hiểm y tế như thế nào? Nguyễn Huệ Chi, 24 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Bích Hường : 

Nếu con của bạn chuyển đúng tuyến sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi theo chế độ bảo hiểm quy định. Trường hợp bạn đưa con đi khám không có giấy chuyển viện đúng tuyến, không phải tình trạng cấp cứu và nếu cháu không nhập viện, cháu sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế tại viện. Nếu cháu phải điều trị nội trú, sẽ được hưởng 60% chi phí khám, chữa bệnh nội trú và khám ngoại trú trước khi vào viện đối với bệnh viện tuyến tỉnh và 40% với bệnh viện tuyến trung ương.

– Thay đổi nào trong chính sách bảo hiểm y tế 2017? Hoàng Lan, 21 tuổi

Ông Hà Văn Thúy: 

Năm 2017 tiếp tục thực hiện các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT và dự kiến trình Chính phủ xem xét và ban hành trong quý I/2017.

Trong dự thảo Nghị định có một số quy định mới như bổ sung một số đối tượng được ngân sách nhà nước đóng thẻ BHYT theo quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ; quy định tin học hóa khám bệnh, chữa bệnh BHYT, cấp mã số quản lý đơn vị sử dụng lao động, cấp mã số cá nhân quản lý người tham gia…

Về quy định từ 1/1/2016, người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại trạm y tế, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh hoặc khám bệnh không đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại bệnh viện tuyến huyện trong phạm vi cả nước vẫn được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh theo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Như vậy, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các văn bản hướng dẫn cách quản lý, phân bổ quỹ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

– Chính sách bảo hiểm y tế gia đình thế nào thưa ông? Mai Phương, 50 tuổi

Ông Hà Văn Thúy: 

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì tất cả thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật này phải tham gia bảo hiểm y tế. Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể như sau:

– Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện nay là 1,21 triệu đồng);

– Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

– Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Giai đoạn đầu triển khai thực hiện tham gia BHYT theo hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc có liên quan đến thủ tục kê khai, xác nhận đối tượng tham gia BHYT. Hiện nay, Bộ Y tế đã kịp thời phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình. Khuyến khích các thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế trong cùng năm tài chính để được hưởng mức giảm trừ mức đóng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế.

– Làm thế nào khuyến khích người dân mua bảo hiểm y tế để đạt độ bao phủ 90% toàn dân vào năm 2020? Hải Nam, 44 tuổi

Ông Hà Văn Thúy: 

Theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020 mục tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90%. Trong Quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90%. Trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

– Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền dưới nhiều hình thức để cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và mọi người dân nắm vững về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo hiểm y tế và nghĩa vụ của mỗi người trong việc tham gia bảo hiểm y tế.

– Tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu bảo hiểm y tế theo cơ chế dịch vụ công đối với tổ chức, đơn vị phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm y tế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia bảo hiểm y tế.

– Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo hiểm y tế tại các đơn vị, tổ chức sử dụng lao động, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

– Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

– Nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên và nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình theo nguyên tắc giảm dần việc cấp kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế khi thực hiện cơ chế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

– Ba em được cấp bảo hiểm y tế theo diện tham gia chiến trường Campuchia và được cấp bảo hiểm trọn đời. Vậy, quyền lợi bảo hiểm y tế này gồm những gì và quyền lợi này khác gì so với bảo hiểm y tế tự mua. Nếu trường hợp ngày 31/12 này, thẻ bảo hiểm hết hạn mà chưa được cấp kịp, trong thời gian chưa được cấp thẻ, ba em đi khám vậy có bị mất quyền lợi không? Em cảm ơn! Nguyễn Minh Tâm, 28 tuổi, TP HCM

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: 

Chào bạn, ba của bạn sẽ được hưởng 100% chi phí khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Tại thời điểm 31/12, ba của bạn đang điều trị tại bệnh viện thì vẫn tiếp tục được hưởng chế độ bảo hiểm đến hết đợt điều trị. Trường hợp sau ngày 31/12, ba của bạn đi khám, chữa bệnh chưa có thẻ, bạn có thể tự nộp tiền, sau đó, tổng hợp toàn bộ chứng từ, gửi bảo hiểm xã hội nơi ba bạn đăng ký để xin thanh toán lại.

– Chồng em đang công tác tại tỉnh A, hộ khẩu vẫn ở quê (tỉnh B). Giờ chồng em muốn đóng bảo hiểm tại một trong các bệnh viện thuộc tỉnh A để tiện thăm khám sau này được không vậy bác sĩ? Nguyễn Thị Tố Nga, 25 tuổi, 306 phạm văn đồng, TP Pleiku, Gia Lai

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: 

Chào bạn, theo quy định của luật bảo hiểm, chồng của bạn được đóng bảo hiểm tại tỉnh A và được quyền lựa chọn một trong các bệnh viện do cơ quan bảo hiểm xã hội thông báo.

nguoi-dung-bao-hiem-y-te-duoc-tang-quyen-loi-trong-nam-2017-5

– Tôi nhận thấy điểm mới của bảo hiểm y tế 2017 điều chỉnh chỉ toàn là tăng giá? Vậy người dân sẽ được những lợi ích gì? Phú Trung, 42 tuổi, Nhà Bè

Ông Hà Văn Thúy: 

Hiện nay, giá dịch vụ kỹ thuật đang được các cơ sở khám, chữa bệnh áp dụng thu một phần viện phí, một phần do ngân sách nhà nước cấp. Theo đó, khi người bệnh có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh, ngoài việc được quỹ BHYT chi trả theo quy định thì một số cơ sở khám, chữa bệnh còn phải thu thêm của người bệnh một số chi phí phục vụ điều trị khác. Việc tiến tới điều chỉnh tăng giá theo hướng thu đủ viện phí thì người bệnh không phải chi trả bất kỳ khoản nào khác trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT (trừ các dịch vụ y tế mà người bệnh tự chọn và các chi phí không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT).

– Năm 2016, tôi đã thực hiện chuyển bảo hiểm y tế từ phòng khám đa khoa Yecxanh lên Ung bướu Hưng Việt rồi đến Viện K. Bệnh viên K thông báo phải làm lại giấy chuyển bảo hiểm y tế cho 2017, tôi có phải làm lại từ Yecxanh hay chỉ từ Hưng Việt? Tôi được thanh toán chi phí chữa bệnh ở bệnh viện K theo mức nào (tôi đã có xác nhận 5 năm trên thẻ bảo hiểm y tế và năm 2016 chưa phát sinh chi phí khám chữa bệnh)? Nguyễn Hữu Đồng, 43 tuổi

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: 

Theo quy định, giấy giới thiệu chuyển viện của bạn chỉ có giá trị trong năm tài chính. Vì vậy, năm 2017, bạn phải làm lại thủ tục chuyển viện từ phòng khám đa khoa rồi tới Ung bướu Hưng Việt, sau đó mới lên bệnh viện K. Bạn sẽ được thanh toán chi phí chữa bệnh theo đúng mức thẻ của mình. 

– Bộ Y tế có địa chỉ trực tuyến nào để người bệnh có thể vào xem bảng giá khám chữa bệnh và các hạng mức được chi trả bảo hiểm cho mỗi loại bệnh không ạ? Bùi Thị Thùy Linh, 25 tuổi, Cổ Nhuế, Từ Liêm

Ông Hà Văn Thúy: 

Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh phải niêm yết công khai bảng giá các dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại cơ sở của mình.

Đồng thời, các quy định về giá viện phí cũng được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế có đường dây nóng 1900-9095, nếu có thắc mắc, bạn có thể liên hệ đường dây nóng để được giải đáp.

Chào cô, cháu có vấn đề muốn hỏi về Bảo hiểm y tế. Hôm rồi, cháu cho con đi thử máu ở bệnh viện Huyết học và truyền máu Trung ương, cháu định sử dụng bảo hiểm y tế cho con nhưng họ bảo phải có giấy chuyển viện mới được trả bảo hiểm. Trong khi, cháu thấy theo luật từ tháng 1, bảo hiểm y tế có thể được chi trả ở bất cứ viện nào? Cháu không hiểu điều này lắm! Xin cô giải thích giúp cháu ạ! Kim Ngân, 30 tuổi, Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: 

Chào cháu, theo quy định, người bệnh chỉ được hưởng đầy đủ quyền lợi khi đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tương đương với bệnh viện đã đăng ký ban đầu. Vì vậy, con của cháu lên khám tại bệnh viện Huyết học và truyền máu Trung ương không được hưởng bảo hiểm là đúng quy định.

Quy định thông tuyến giúp người bệnh thuận tiện khi đi khám chữa bệnh tại những bệnh viện cùng hạn. Trường hợp bệnh nặng muốn lên tuyến trên cần có giấy giới thiệu chuyển viện để tránh tình trạng quá tải, gây khó khăn, trở ngại cho người bệnh và các cơ sở y tế.

– Xin hỏi Phó Vụ trưởng, bố tôi đang bị suy thận, nếu nhập viện thì loại viện phí nào được hưởng bảo hiểm? Nguyễn Văn Tâm, 26 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội

Ông Hà Văn Thúy:

Đối với trường hợp này, bố bạn cần đến nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT để được khám, chữa bệnh. Trong trường hợp, cơ sở đó không đủ năng lực chẩn đoán và điều trị, người bệnh sẽ được chuyển lên tuyến trên. Khi khám, chữa bệnh, người bệnh được sử dụng thuốc, vật tư y tế, hóa chất và dịch vụ y tế khác thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT.

– Thưa dược sĩ Hà Văn Thúy, tôi là người đã nhiều năm liền mua bảo hiểm y tế nhưng rất ít khi sử dụng nó để khám và chữa bệnh. Vì trên thực tế, khi khám và chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, người bệnh phải chờ đợi rất mệt mỏi. Ngoài việc tăng chi phí cho bảo hiểm y tế, Bộ có chính sách nào để cải thiện dịch vụ khám – chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế không ạ? Ngọc Anh, 28 tuổi, TP HCM

Ông Hà Văn Thúy: 

Hiện nay, Bộ Y tế đã có rất nhiều cố gắng trong việc cải cách thủ tục hành chính trong quy trình khám, chữa bệnh tại các khoa khám bệnh tại các bệnh viện nhằm cải thiện thời gian chờ đợi, tránh phiền hà cho người bệnh theo quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 hoặc cải tiến các mẫu biểu bảng kê thanh toán khám, chữa bệnh BHYT để giảm bớt chữ ký của các bên liên quan.

Tuy nhiên, việc làm cần thiết hơn là tăng cường công tác áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám định BHYT, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT mới có thể khắc phục được tồn tại nêu trên, vấn đề này hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành, Bảo hiểm xã hội để xây dựng phần mềm dùng chung có thể sẽ được áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong năm 2017.

Mai Thương