Home » Khỏe và đẹp » Kiêng cữ sai lầm sau sinh của nhiều sản phụ

Kiêng cữ sai lầm sau sinh của nhiều sản phụ

kieng-cu-sai-lam-sau-sinh-cua-nhieu-san-phu

Bác sĩ đang tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cho sản phụ mới sinh. Ảnh: TT.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bay, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nhìn nhận theo cách chăm sóc dân gian, bà mẹ sau sinh cần kiêng cữ rất nhiều thứ để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé. Ví dụ việc nằm than, hơ nóng được cho là giúp làm ấm cơ thể mẹ và bé, tránh phát sinh bệnh.

Bác sĩ Bay cho rằng việc giữ ấm là rất cần thiết cho sản phụ. Đặc biệt trong tháng đầu tiên sau sinh cần giữ ấm tuyệt đối vì người mẹ vừa trải qua cuộc vượt cạn mất rất nhiều máu, năng lượng và chất dinh dưỡng khiến sức đề kháng giảm sút, dễ bị cảm nhiễm từ những yếu tố bên ngoài. Tuy vậy, bác sĩ khuyên không nên giữ ấm bằng than nóng vì có thể gây ra một số hậu quả như không điều tiết được nhiệt lượng của than, dễ gây cháy, bỏng hoặc khí CO2 sản sinh gây độc cho mẹ và bé.

Thay vào đó, nên áp dụng những cách giữ ấm an toàn như mặc ấm, uống nước ấm, chườm ấm bụng sau khi ăn xong. Sản phụ nên nằm trong không gian thoáng đãng và mát mẻ nhưng có gió lùa, quạt hay máy điều hòa quá lạnh. Nhiệt độ phòng nên giữ ở mức như thời tiết bình thường, nếu dùng máy điều hòa nên điều chỉnh nhiệt độ khoảng 28 đến 29 độ C. 

Sản phụ không được gội đầu trong vòng một tháng ở cữ để tránh đau nhức đầu và rụng róc về sau là không hoàn toàn đúng, theo bác sĩ Bay. Ngược lại, bà mẹ sau sinh cần gội đầu thường xuyên để tránh mồ hôi bết trong tóc gây nấm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và một số vấn đề sức khỏe khác. Khi gội đầu nên dùng nước ấm, pha thêm chút rượu sẽ làm bốc hơi nước nhanh hoặc dùng máy sấy để làm khô tóc, tránh để tóc ướt trong thời gian dài. Sau khi tắm có thể thoa thêm rượu gừng hoặc dầu tràm vừa giúp cơ thể săn chắc vừa giữ ấm.

Theo bác sĩ Bay, đến nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy xem tivi, đọc sách trong vòng một tháng ở cữ gây mỏi mắt và nhanh lão hóa về sau, nhưng người mẹ sau sinh có rất nhiều việc phải làm như canh giờ cho con bú, lo ăn, lo vệ sinh cho em bé nên cần dành thời gian nghỉ ngơi nhiều để lấy lại sức, không nên xem phim hay đọc sách nhiều. Nếu vẫn muốn xem và đọc thì nên giữ mức độ vừa phải, tránh tập trung lâu và điều tiết mắt nhiều. Bà mẹ sau sinh vẫn có thể giao tiếp bình thường nhưng không nên nói lớn tiếng vì dễ ảnh hưởng đến thanh quản, hầu họng và tổn thương dây thanh âm.

Những sản phụ sinh mổ thường không xuống cân dễ dàng như sinh thường một phần do ảnh hưởng của vết mổ làm bà mẹ sau sinh sẽ khó khăn khi đi lại, tập luyện thể dục. Thậm chí một số người còn nằm bất động một chỗ vì cho rằng di chuyển nhiều sẽ làm vết mổ sản bị rách. Bác sĩ khuyên người mẹ sau khi mổ nên tập ngồi, đi lại chậm rãi, nhẹ nhàng, vận động điều hòa sẽ giúp vết mổ mau lành hơn.

Theo quan niệm Đông y, các món như giò heo, đu đủ xanh, xu hào, củ sen, cam bưởi, mè chứa các thành phần dinh dưỡng giúp tạo sữa cho sản phụ. Những thực phẩm có tính ấm thường được sử dụng cho bà mẹ sau sinh như nghệ, thịt kho tiêu, gừng cần kết hợp thêm với thực phẩm tính mát như rau xanh, trái cây… Đặc biệt, nghệ được xem là loại thảo dược rất tốt đối với bà mẹ sau sinh. Những món ăn có nghệ như thịt kho nghệ, trứng hay cải xào nghệ, khổ qua xào nghệ giúp hoạt huyết, đẩy sản dịch ra nhanh, tiêu hóa tốt. Bên cạnh đó, nghệ có thể dùng để thoa bên ngoài vết mổ, vết cắt tầng sinh môn giúp vết thương mau lành, không để lại sẹo xấu. 

Một tuần đầu sau sinh có thể xông bằng lá bạc hà, kinh giới, tía tô, tràm, vỏ bưởi, lá bưởi, lá cam giúp bài tiết chất thải qua mồ hôi đồng thời làm ấm cơ thể. Sau khi xông xong cần lau khô cơ thể, giữ ấm, uống nhiều nước và tránh gió lùa.

Bác sĩ Bay nhìn nhận nỗi lo thường trực với hầu hết phụ nữ sau sinh là làm sao nhanh chóng lấy lại vòng eo săn chắc như trước khi mang thai. Một số sản phụ còn bó bụng để mau đạt kết quả như mong muốn. Bác sĩ khuyến cáo bó bụng quá sớm hay quá chặt ngay sau sinh có thể làm chèn ép mạch máu nuôi đến các cơ quan vùng bụng, ảnh hưởng xấu đến tiến trình lành sẹo tự nhiên ở người sinh mổ. Hơn nữa lúc này sản phụ chịu rất nhiều áp lực từ việc chăm con đến các vấn đề hậu sản, cộng thêm việc bó bụng chặt gây cản trở các hoạt động càng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. 

Bác sĩ Bay cho rằng quan niệm phụ nữ mới sinh không được ăn đồ chua vì sợ sau này bị trung tiện nhiều, con dễ bị tiêu chảy, không hoàn toàn đúng. Thực tế ăn chua hay bổ sung vitamin C ở mức độ vừa phải sẽ rất tốt. Chỉ cần tránh thức ăn quá chua, quá mặn hay có tính hàn như ốc, cải chua dễ gây tiêu chảy và phản ứng hậu sản.

Tóm lại, bác sĩ Bay khuyên phụ nữ mới sinh không cần phải kiêng cữ quá nhiều. Trên thực tế không phải người nào sau sinh cũng tăng cân, trái lại nhiều trường hợp còn giảm cân khi cho con bú. Người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để có nguồn sữa đủ dưỡng chất cho con bú mà vẫn giảm cân đều đặn. “Ăn uống điều độ, cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, tập thể dục nhẹ nhàng khi các vết may mổ đã lành là chìa khóa giúp các bà mẹ sớm phục hồi sức khỏe và lấy lại vóc dáng”, bác sĩ nói.