Ngày 17/12, sản phụ 23 tuổi đến kỳ sinh, vào Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Hà Nội, được chỉ định mổ đẻ. Sau khi sinh, trẻ vẫn hoàn toàn bình thường, hồng hào, bú tốt. Ngày 18/12, gia đình cho bé bú bình thì cháu không bú mà có biểu hiện tím tái. Bác sĩ hút mũi cho bé, sau đó chuyển đến Bệnh viện Saint Paul cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ truyền glucose cho bé nhưng cơ thể trẻ không tiếp nhận. Ngày 20/12 bé tử vong. Cho rằng nguyên nhân trẻ tử vong là do bác sĩ mổ chậm (sản phụ vào lúc 5h sáng, 4 giờ sau mới được mổ), trẻ bị sặc ối sau mổ, chuyển viện muộn…, người nhà vây Bệnh viện Đa khoa Vân Đình yêu cầu giải thích.
Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình khẳng định: “Chúng tôi mổ đúng chỉ định, đúng kỹ thuật, sản phụ vào viện được theo dõi đến khi có dấu hiệu chuyển dạ là chuyển vào phòng mổ. Khi chào đời trẻ không có biểu hiện bất thường, hồng hào, bú tốt. Bé mổ đẻ nên không có chuyện sặc ối”.
Cũng theo ông Chương, trẻ đang bình thường tự dưng tím tái có thể do bị sặc sữa khi người nhà cho bú bình. “Theo Bệnh viện Saint Paul, trẻ tử vong do mắc bệnh chuyển hóa bẩm sinh, cụ thể là cường insulin. Ngày đầu tiên trẻ sống được là nhờ lượng đường của mẹ truyền cho vẫn còn sót lại, đến ngày thứ 2 mới có biểu hiện bệnh, đường huyết hạ, khi người nhà cho bú bình thì trẻ bị sặc”, ông Chương cho biết thêm.
Trước sinh, sản phụ đã đến Bệnh viện Vân Đình kiểm tra được chẩn đoán thai đa ối, dự kiến những bất thường. Sản phụ chỉ nặng 42 kg song con nặng 4,9 kg.
Chiều 27/12, Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với Bệnh viện đa khoa Vân Đình để làm rõ vụ việc. Sở sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân bé tử vong, xem xét thái độ phục vụ, chẩn đoán ban đầu… của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Vân Đình. Bước đầu xác định bé mắc bệnh lý hiếm gặp dẫn đến đường huyết liên tục giảm.
Cường insulin là bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh dẫn đến tình trạng đường huyết hạ liên tục, thường biểu hiện bệnh vào ngày thứ 2 sau sinh, cần các xét nghiệm chuyên sâu mới có thể xác định được bệnh. Trẻ cần được truyền dung dịch glucose với tốc độ cao và theo dõi mức đường huyết mỗi giờ, dùng thuốc để hạn chế tình trạng cường insulin.
Phương Trang