Liên quan đến vụ bé sơ sinh tử vong người nhà vây Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Bệnh viện Saint Paul- vừa có báo cáo gửi Sở Y tế Hà Nội. Theo đó, bé là con đầu của sản phụ 23 tuổi, được mổ đẻ tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, khóc to, môi hồng. Trong ngày đầu, trẻ hoàn toàn bình thường, bú tốt, khóc to, phản xạ sơ sinh bình thường. Sang ngày thứ hai bé xuất hiện cơn tím người, được hút đờm dãi, thở oxy, hồng hào trở lại. Cuối giờ chiều trẻ có cơn tím thứ hai, được chẩn đoán viêm phế quản, suy hô hấp nên chuyển đến Bệnh viện Saint Paul.
Trẻ vào Bệnh viện Saint Paul trong tình trạng nặng: Da tái, tím quanh môi, khó thở, thử đường máu 10 lần thì đến 8 lần đường máu liên tục thấp dù bệnh nhân liên tục được truyền đường. Lần cao nhất đường máu của bé cũng chỉ 2,3 mmol/l, trong khi dưới 2,6 mmol/l đã bắt đầu tổn thương não. Sau đó, trẻ suy hô hấp nặng, sốc, suy đa tạng, phải đặt nội khí quản, thở máy…; gia đình xin đưa bé về nhà ngày 20/12.
Báo cáo của Bệnh viện Saint Paul đánh giá “trẻ có cân nặng khi sinh to bất thường”, mẹ nặng 42 kg sinh con 4,9 kg dù mẹ không có tiền sử tiểu đường. Trẻ em Việt Nam được gọi là thai to nếu cân nặng khi sinh 3,8 kg trở lên, ngoài ra mẹ lại đa ối khi mang thai.
Theo bác sĩ, ngày đầu tiên trẻ vẫn hoàn toàn bình thường do nội tiết của mẹ truyền sang con qua nhau thai, trong đó có hormone điều chỉnh insulin. Vì vậy lúc đầu nồng độ insulin của trẻ còn ổn định, theo thời gian hormone điều chỉnh insulin từ mẹ truyền sang giảm dần, nồng độ insulin trong máu trẻ tăng dần gây hạ đường máu… Cơn tím người chính là cơn hạ đường huyết. Sau đó trẻ luôn có cơn cường insulin, gây hạ đường huyết liên tục, không điều chỉnh được. Hạ đường huyết nặng dẫn đến tổn thương não, tổn thương đa cơ quan… trẻ xuất hiện co giật, suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy đa tạng…
Trẻ tử vong do 2 nguyên nhân: Hạ đường huyết mức độ sâu mà rất khó khăn điều trị do phụ thuộc mức độ cường insulin và nhiễm trùng sơ sinh do truyền đường liên tục.
Phương Trang