Sau 2 tháng điều trị, hiện bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, đi lại và ăn uống bình thường.
Ngày 2/11/2016, bệnh nhân ở nhà (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) thì xuất hiện cơn hen ác tính, suy hô hấp, khó thở dữ dội. Người nhà gọi điện cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, ngay lập tức đội cấp cứu ngoại viện gồm một bác sĩ và một điều dưỡng được điều tới nhà bệnh nhân. Trên đường vận chuyển, bệnh nhân ngừng tim. Ê kíp y bác sĩ phải cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân trên xe cứu thương, sau đó nhanh chóng chuyển đến khoa Cấp cứu. Các nhân viên trong khoa đã đợi sẵn để đón bệnh nhân.
Tại bệnh viện, các y bác sĩ tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, sốc điện phá rung, dùng thuốc, đặt ống nội khí quản bệnh nhân. Sau hơn 10 phút, bệnh nhân đã có tuần hoàn trở lại và được chuyển lên khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc. Người bệnh được điều trị tích cực với thuốc an thần, ngủ sâu, thở máy. Khoa đã hội chẩn và xin ý kiến các chuyên gia khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và quyết định áp dụng phương pháp làm hạ thân nhiệt chỉ huy sớm để bảo vệ não người bệnh.
Nhiệt độ trung tâm của bệnh nhân được hạ xuống đến 34 độ C (thân nhiệt bình thường là 37 độ C), nhằm tránh phù não, bảo vệ tế bào não tránh bị hủy hoại do quá trình thiếu ôxy sau ngừng tuần hoàn. Sau 24 giờ hạ thân nhiệt và 72 giờ an thần thở máy, đến ngày thứ 4 bệnh nhân đã tỉnh táo, bỏ được máy thở và rút ống nội khí quản.
Đây là kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới giúp tăng thêm cơ hội sống cho người bệnh mà không để lại di chứng.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đại Việt Đức, Phó khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, về mặt lý thuyết, ngừng tim 3 phút mà không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Với bệnh nhân bị ngừng tim, dù cấp cứu thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỷ lệ sống sót cũng dưới 10%. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ cứu sống bệnh nhân ngừng tim ngoài cộng đồng thấp hơn rất nhiều (chỉ 1-2%). Nguyên nhân là trong khi ngừng tim, não không có máu nuôi dưỡng bị tổn thương nặng nề; não sẽ bị phù nề, viêm, và hoại tử dẫn tới chết não và tử vong. Bệnh nhân sau ngừng tim dù sống được nhưng để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề. Nhẹ là mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh. Trường hợp nặng hơn thì liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê, sống thực vật.
Cấp cứu ngừng tim bằng phương pháp hạ thân nhiệt đã được thực hiện thường quy trên thế giới. Tại Việt Nam, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là đơn vị đầu tiên thực hiện phương pháp này. Theo chứng minh trên thế giới, phương pháp này giảm tỷ lệ tử vong xuống 14% và giảm độ di chứng tàn phế xuống 11%.
Giang Sơn