Thay đổi 10 thói quen dưới đây sẽ giúp bạn làm việc nhanh nhạy và năng suất hơn.
Ăn uống qua loa
Não chỉ chiếm 3% khối lượng cơ thể, nhưng sử dụng đến 20% năng lượng nạp vào. Trong 8 tiếng làm việc nơi công sở, não bộ hoạt động nhiều hơn là tay chân. Nếu bỏ bữa sáng hoặc ăn trưa qua loa, bạn sẽ không đủ năng lượng làm việc.
Ăn sáng muộn cũng không tốt. Thói quen này không chỉ gây hại bao tử, mà còn khiến bữa trưa mất ngon, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Tốt nhất bạn nên uống một cốc nước ấm thật to sau khi ngủ dậy để khởi động toàn bộ cơ thể, sau khoảng 15-30 phút thì dùng bữa sáng thịnh soạn tại nhà. Như vậy, bạn sẽ tỉnh táo, giàu năng lượng hơn khi đến công ty, sẵn sàng lao vào nghênh chiến với công việc.
Ăn uống qua loa cản trở hiệu suất công việc. Ảnh: IrishMirror |
Không ngủ trưa
Làm việc liên tục khiến cơ thể mệt mỏi, tạo ra nhiều chất độc gây tê liệt hệ thần kinh. Một giấc ngủ ngắn 15-20 phút buổi trưa sẽ làm tăng năng suất lao động, giúp bạn thêm hưng phấn buổi chiều mà không hề uể oải. Ngủ trưa còn giúp bạn thư giãn tâm trí, cải thiện trí sáng tạo trong công việc.
Từ những năm 1990, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chứng minh giấc ngủ trưa 15-20 phút giúp nhân viên tỉnh táo, hoàn thành tốt công việc buổi chiều và có giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm. Theo Trung tâm Nghiên cứu Giấc ngủ Bordeaux (Pháp), giấc ngủ trưa còn làm giảm tai nạn giao thông, nhất là người lái xe ban đêm.
Thức khuya làm việc
Ngủ muộn là lý do khiến bạn uể oải vào sáng hôm sau và nhanh đuối sức lúc giữa ngày. Nếu nguyên nhân ngủ muộn là do thức khuya làm việc, hãy thử đặt chuông báo thức để dậy sớm hoàn thành chúng. Nghiên cứu cho thấy, làm việc buổi sáng sớm cho hiệu quả tốt hơn đêm khuya, bởi khi đó não nạp đủ năng lượng, đầu óc tỉnh táo và hưng phấn.
Làm việc theo cảm hứng
Nhiều người làm việc theo cảm hứng, không vạch sẵn kế hoạch thực hiện trong ngày, tuần, tháng. Hậu quả là đầu tuần nhẩn nha, nhưng đến thứ Sáu công việc ùn ứ, xử lý không xuể, thậm chí phải đến cơ quan làm bù ngày Chủ nhật.
Tốt nhất bạn nên làm việc tích cực từ đầu tuần, phân chia tiến độ công việc rõ ràng trong buổi sáng và chiều. Ghi nhiệm vụ vào giấy nhớ, dán lên màn hình máy tính là cách đơn giản để nhắc nhở bản thân tập trung vào công việc. Đồng bộ chúng trên ứng dụng điện thoại cũng là gợi ý hay. Chủ động giải quyết công việc dựa trên kế hoạch rõ ràng sẽ mang lại hiệu quả, nếu đợi sếp thúc giục chỉ khiến bản thân căng thẳng hơn.
Ngay cả khi không thể làm hết danh sách các việc trong ngày, hãy hoàn thành nhiệm vụ dang dở đang làm trước khi về. Nếu không, nó sẽ ám ảnh bạn trong giấc ngủ và cản trở kế hoạch ngày hôm sau.
Cuối năm, nhiều người than trời về núi việc chất đống ở công ty. Ảnh: Nymag |
Lướt Facebook trong giờ
Thời công nghệ số, hầu như bạn trẻ nào cũng có một tài khoản Facebook cá nhân. Thống kê tháng 3/2016 của mạng xã hội này cho thấy, một phần ba dân số Việt Nam (35 triệu người) đang dùng Facebook hàng tháng. Thời gian truy cập trung bình 2,5 giờ mỗi ngày. Việc bắt gặp ai đó đang truy cập Facebook trong giờ làm việc không hiếm, thậm chí 2 phút mỗi lần. Họ dùng Facebook để trao đổi công việc, tìm nguồn tin, mua sắm online, trò chuyện với bạn bè, giải trí, cập nhập tin tức…
Tuy nhiên, đừng để bản thân xao nhãng vào những cuộc tán gẫu trên mạng xã hội. Những ngón tay lướt phím, vài dòng bình luận ảnh hay đoạn chat không hồi kết… có thể tiêu tốn hàng giờ đồng hồ làm việc của bạn. Quan trọng là sau mỗi lần truy cập Facebook, bạn sẽ phân tâm khi trở lại công việc. Giải trí trong giờ nghỉ trưa là lựa chọn hiệu quả hơn.
Làm nhiều việc cùng lúc
Nhiều người tin rằng họ rất giỏi làm 2 việc cùng lúc, song các nghiên cứu phát hiện, chỉ có 2% dân số thực sự có khả năng thực hiện đồng thời nhiều việc một cách hiệu quả. Đối với phần lớn chúng ta, tình trạng đa nhiệm là thói quen xấu, khiến trí não thiếu tập trung và làm việc kém hiệu suất về dài hạn.
Trì hoãn việc quan trọng nhất tới cuối ngày
Không ít người bắt đầu ngày mới bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ dễ dàng, và chừa lại các công việc khó khăn tới cuối ngày. Đây là một ý kiến tồi, thường dẫn tới hậu quả là công việc quan trọng nhất không được hoàn thành. Theo chuyên gia, con người có lượng ý chí hữu hạn. Trong một ngày, hoạt động trí não thường giảm dần đến 13h và tăng trở lại vào lúc 17h-21h. Vì vậy, bạn nên bắt tay vào xử lý nhiệm vụ khó khăn nhất ngay khi đến công ty.
Ngồi lì cả ngày
Ngồi lì nơi công sở không chỉ gây hại cho cột sống, tim mạch, tuần hoàn, mà còn khiến bạn chán ngán công việc hiện tại. Bạn nên “đổi gió” với những cuộc gặp gỡ trong phòng họp hoặc quán cà phê, đi bộ và trò chuyện 20-30 phút ngày giữa tuần, ra ngoài ăn trưa… Không khí thoáng đãng sẽ khởi nguồn một loạt ý tưởng tươi mới.
Tập vào động tác thể dục ở hành lang bộ, chống đẩy ngay tại chỗ làm việc… cũng giúp cải thiện lưu lượng máu đến não, tăng năng lượng và khả năng tập trung.
Họp hành liên tục
Cuối năm, ai cũng bận. Nếu bạn là sếp, hãy cắt giảm những cuộc họp trực tiếp với nhân viên, bởi 90% cuộc họp không hiệu quả và lãng phí thời gian. Nếu nội dung thảo luận có thể thực hiện qua email và điện thoại, hãy thử chúng.
Quá cầu toàn
Triết gia Alain de Botton (Anh), tác giả “Cuốn sách cuộc đời” cho rằng, căn nguyên trì hoãn công việc là nỗi sợ không thể làm tốt, hơn là sự lười biếng. Cách duy nhất để vượt qua sự chần chừ là từ bỏ chủ nghĩa cầu toàn, không nên chú ý quá đến các tiểu tiết. Bạn hãy vờ như nhiệm vụ không quan trọng và rằng việc phạm sai lầm sẽ được sếp chấp nhận, để bắt đầu công việc nhanh hơn.
Bác sĩ Lê Văn Nhân
Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM