Bé hiện đã có thể chơi đùa, uống nước bằng miệng sau những ngày nuôi ăn qua đường dạ dày. Khoảng hơn một tuần đầu hậu phẫu, mỗi ngày khi thay băng các bác sĩ đều phải đưa bé vào phòng gây mê để an thần cho bé ngủ mới thực hiện được. Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết đây là một trong những trường hợp chấn thương vùng họng nặng được cứu sống.
Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó Khoa Tai Mũi Họng cho biết bé nhập viện trong tình trạng vùng cổ không trầy xước nhưng sưng rất to, tràn khí dưới da. Kết quả chụp CT cho thấy tổn thương rất nặng, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da, tràn dịch màng phổi. Với tiên lượng “không mấy sáng sủa”, các bác sĩ tiến hành can thiệp cấp cứu cho bé.
Sức khỏe bệnh nhi dần hồi phục. Ảnh: T.P |
Kíp phẫu thuật đã tạo đường mổ cạnh cổ rất dài, bộc lộ tất cả khoảng trống trong cổ họng, trung thất để dẫn lưu hết mủ ra ngoài. Đường rách thực quản dài khoảng 7 cm. Thường những áp xe trung thất thế này thì tiên lượng bệnh nhân tử vong cao. Mỗi ngày sau đó, các bác sĩ phải gây mê cho bé trước khi thay băng, thám sát và lấy những gì còn sót lại trong thực quản rồi bơm rửa, sát trùng.
“Vết rách không thể tự lành thương nên bé được khâu thực quản và mở dạ dày ra da, truyền thức ăn vào bằng ống thông nhằm tránh nhiễm trùng và sự kích thích vào đường tiêu hóa trên”, bác sĩ Huy chia sẻ. Sau gần một tháng điều trị, tình trạng bé mới dần cải thiện. Dự kiến vài ngày tới bé sẽ được rút ống thông và tập ăn bằng được miệng, kịp xuất viện về quê “ăn Tết” đúng nghĩa.
Bệnh viện từng tiếp nhận rất nhiều trẻ bị xóc thìa, đũa… nhưng thường chỉ rách vùng họng chứ chưa có ca nào tổn thương tận thực quản rất dài như bé. Cha bệnh nhi cho biết bé bị tai nạn lúc ở nhà trẻ. Cô bảo mẫu kể bé ngã trong lúc ngậm chiếc thìa khiến nó đâm vào họng. Cô bảo mẫu đã lấy thìa ra khỏi họng bé, sau đó tình trạng bé không ổn, cổ họng dần sưng to nên cô gọi người nhà đến đón về. Bé được đưa đến bệnh viện địa phương rồi chuyển vào Nhi đồng 1.