Trong trận chiến kéo dài 82 ngày năm 1945 trên hòn đảo Okinawa (Nhật Bản), khoảng 20.000 binh lính Mỹ đã thiệt mạng. Thế nhưng, rất nhiều người sống sót nhờ công Desmond Doss, người lính anh hùng không bao giờ mang súng.
Sinh ngày 7/2/1919, Desmony Doss gia nhập quân đội Mỹ khi mới 23 tuổi. Trước đó, anh là nhân viên đóng tàu tại nhà máy Newport News Naval. Vụ Trân Châu Cảng bị tấn công đã thôi thúc lòng yêu nước của chàng trai trẻ, thổi lên khao khát mạo hiểm mạng sống bảo vệ Tổ quốc.
Như nguyện vọng, Doss trở thành bác sĩ quân y. Thời gian đầu nhập ngũ đầy sóng gió. Theo New York Times, chàng binh nhì thường xuyên bị trêu chọc vì mộ đạo và phản đối vũ khí. Một đồng đội cảnh báo: “Doss, tôi chắc chắn anh sẽ không sống sót quay về”. Các sĩ quan chỉ huy thậm chí còn muốn đuổi cậu lính gầy gò ra khỏi doanh trại với lý do mắc bệnh tâm thần. Tất cả nhìn Doss như gánh nặng. Chẳng ai tin một chiến sĩ không vũ trang xứng đáng đứng trên tiền tuyến. Họ đe dọa, mắng mỏ, giao phó những nhiệm vụ khó khăn và thẳng thừng tuyên bố Doss “không phù hợp với quân đội”.
Desmond Doss. Ảnh: Pinterest. |
Bất chấp những lời chế nhạo, Doss giữ vững niềm tin. Trí óc anh luôn ghi nhớ câu nói “Nếu yêu ta, con sẽ không giết chóc” của Đức Chúa. Doss thề rằng không bao giờ cướp đi sinh mạng người khác.
Mọi chuyện bắt đầu dễ chịu hơn khi các binh lính phát hiện anh quân y ít nói có cách chữa lành vết phồng rộp trên bàn chân tuần hành mệt mỏi. Nếu ai đó bị say nắng, Doss không đắn đo nhường giường cho họ. Anh tử tế, nhẹ nhàng với cả những kẻ từng ngược đãi mình.
Mùa hè năm 1944, Doss được lệnh đến Guam và Leyte (Philippines). Trong lúc đồng đội nổ súng giết địch, anh bận rộn cứu người. Chỉ cần nghe tiếng gọi “y tế” trên chiến trường, Doss sẵn sàng chạy đến, mặc kệ hiểm nguy. Không ít lần, để chăm sóc đồng đội, chàng bác sĩ ở gần quân địch đến mức nghe thấy những lời thì thầm bằng tiếng Nhật. Kết thúc trận Leyte, Doss được trao tặng Huân chương Sao Đồng rồi lên đường tới Okinawa (Nhật Bản).
Doss được trao huân chương. Ảnh: People. |
Ngày 5/5/1945, trên sườn núi Maeda, quân Nhật phản công khiến binh lính Mỹ bị thương mắc kẹt ở độ cao 400 feet (122 m). Thay vì tìm kiếm nơi trú ẩn như mệnh lệnh, Doss quay lại và đưa từng đồng đội xuống núi bằng chiếc cáng tự chế. Kết quả, 75 người được cứu sống.
Trận chiến tiếp tục, Doss trúng một mảnh lựu đạn. Anh tự xoay sở suốt 5 giờ trước khi bị bắn gãy xương tay. Vừa đau đớn vừa mất máu, Doss vẫn ưu tiên cứu chữa một người lính gần đó rồi bò hơn 270 m đến trạm sơ cứu. Ngày 12/10/1945, Tổng thống Harry S. Truman trao tặng Doss Huân chương Danh dự vì công lao ở Okinawa.
Hòa bình lập lại, Doss trải qua hơn 5 năm trong bệnh viện. Ngoài những vết thương chiến tranh, anh còn mất một bên phổi do bệnh lao. Sức khỏe yếu kém, chàng binh nhì năm xưa không tìm được công việc nên dành thời gian còn lại cho tôn giáo. Ngoài Doss, chỉ một lính Mỹ phản đối bạo lực khác được trao Huân chương Danh dự. Đó là Thomas W. Bennett, vị bác sĩ quân y thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Ông hy sinh tháng 2/1969 lúc đang chăm sóc thương binh tại Pleiku.
Doss về già. Ảnh: desmonddoss.com. |
Dù được coi như anh hùng, Doss từ chối kể về chiến công. “Mọi vinh quang nên thuộc về Thiên Chúa. Chưa kể Người đã cứu tôi biết bao lần”, vị bác sĩ chia sẻ với tờ The Richmond Times-Dispatch năm 1998.
Ngày 23/3/2006, Doss qua đời ở tuổi 87 tại nhà riêng. Cuộc đời ông trở thành chủ đề hấp dẫn cho sách báo, phim ảnh, văn chương và mới đây nhất được chuyển thể thành bộ phim Hacksaw Ridge.
Minh Nguyên