Đây là đợt can thiệp thứ 2 của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) với trẻ em Thái Nguyên. 60 trẻ có nồng độ chì cao được xét nghiệm máu chuyên sâu để đánh giá biến đổi vật chất di truyền, tình trạng ôxy hóa, chống ôxy hóa ở trẻ nhiễm chì. Đợt lấy máu đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 9/2016, các chuyên gia của Viện đã lấy mẫu máu, tóc và làm một số test nhanh để kiểm tra sức khỏe của trẻ ở phường Phú Xá. Chuyên gia cũng hướng dẫn y tế địa phương và gia đình thực hiện các biện pháp can thiệp giảm nồng độ chì trong máu.
Trong tháng 1, Viện cũng xét nghiệm nồng độ chì cho trẻ sống quanh khu vực mỏ chỉ làng Hích, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) và xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn).
Đây là một phần hoạt động nghiên cứu thực trạng nhiễm độc chì ở trẻ em Việt Nam do Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thực hiện. Nghiên cứu được thực hiện tại một số địa bàn như Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Kạn… là nơi có hoạt động khai khoáng, luyện kim màu, chế tạo và tái chế phế thải chứa chì.
Trước đó, Viện đã tiến hành các can thiệp thải độc chì cho trẻ tại thôn Đông Mai (Hưng Yên), nơi có làng nghề tái chế chì.
Những năm gần đây các bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ ngộ độc chì. Trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện bất thường về tinh thần, thể lực và trí tuệ. Nếu trẻ nhiễm độc ở mức độ nhẹ thì thường khó tính, dễ cáu bẳn, hay quấy, khóc hoặc bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu nghe lời. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, co giật và hôn mê. Người lớn nhiễm độc chì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, suy giảm sức khỏe, suy giảm trí nhớ và giảm năng suất lao động. Việc điều trị thường gặp nhiều khó khăn do kéo dài lâu ngày.
Các nguồn chính gây ô nhiễm chì với môi trường bao gồm khai thác mỏ, luyện kim, các hoạt động sản xuất và tái chế… Thải độc chì cần thời gian dài. Có trẻ chỉ uống thuốc cam một lần mà đã bị ngộ độc chì và phải mất đến 2 năm mới hoàn thành quá trình thải lượng độc chất này.
Phương Trang