Chị Phương 32 tuổi, Nam Định, vợ nam bệnh nhân tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Trí Đức sáng 25/12/2016 cho biết, gia đình đã nhiều lần yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Trí Đức làm rõ nguyên nhân tử vong. Phía bệnh viện khất lần với lý do vụ việc vẫn đang điều tra, đợi kết quả giám định pháp y.
“Tôi không thể nghĩ được chồng tôi chỉ đi cắt amidan mà có thể tử vong. Kể từ ngày chồng qua đời, sinh hoạt của 5 mẹ con phải nhờ vào họ hàng ở quê cưu mang”, chị Phương buồn bã nói. Con út của chị chỉ mới 3 tháng tuổi.
Chị Thanh, em gái của nữ bệnh nhân tử vong cũng cho biết không đồng tình với kết luận ban đầu rằng nguyên nhân do sốc phản vệ. Chị gái chị được chẩn đoán u tuyến giáp và chỉ định mổ sáng 25/12/2016. Trước khi mổ bệnh nhân khỏe mạnh.
“Sau khi được truyền thuốc, chị gái tôi kêu buồn nôn nhưng vẫn được đưa vào phòng mổ. 20 phút sau thì chúng tôi nhận được tin chị đang phải cấp cứu. Gia đình chúng tôi không mong muốn gì hơn là có câu trả lời về nguyên nhân cái chết người thân của mình”, chị Thanh nói.
Đợi quá lâu mà chưa nhận được kết luận cuối cùng, cả hai gia đình quyết định viết đơn kêu cứu tới Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Bích, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trí Đức cho biết hiện bệnh viện chưa nhận được kết luận từ cơ quan điều tra, ộ Y tế hay Sở Y tế. Khi nào có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, lãnh đạo bệnh viện sẽ với gia đình các nạn nhân để đưa ra hướng giải quyết.
“Chúng tôi mong muốn cơ quan điều tra, Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội sớm đưa ra kết luận”, bà Bích nói. Hiện tại bệnh viện dừng hoàn toàn hoạt động phẫu thuật, thủ thuật liên quan đến sử dụng thuốc gây mê.
Nhà chức trách cho biết đang tiếp tục điều tra nguyên nhân gây tử vong cho 2 bệnh nhân, hiện có những nội dung liên quan đến chuyên môn nên cần đợi Bộ Y tế lập hội đồng chuyên môn để kết luận.
Sáng 25/12/2016, hai bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa Trí Đức được bác sĩ chuẩn bị phẫu thuật với hai ca mổ cách nhau 25 phút. Mỗi kíp mổ gồm 5 thành viên. Bệnh nhân nữ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật tuyến giáp còn bệnh nhân nam cắt amidan. Cả hai bệnh nhân đều được gây mê nội khí quản, cùng được tiêm các loại thuốc gồm Atropine 0,25 mg, Midazolam 5 mg, Solumedrol 40 mg (tiền mê); sau đó 15 phút sử dụng tiếp 100 mg Diprivan và 30 mg Esmeron. Chỉ 30 giây sau gây mê, cả hai bệnh nhân cùng có dấu hiệu sốc phản vệ, được cấp cứu tại chỗ và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai song không qua khỏi.
>> Xem thêm:
– Hai ca gây mê khiến bệnh nhân tử vong diễn ra thế nào
– Dừng hoạt động phẫu thuật của bệnh viện có 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê
Nam Phương