Trạm y tế xã sẽ thực hiện việc tầm soát sức khỏe cho người dân trong diện quản lý sức khỏe theo hồ sơ điện tử. Theo đó, người dân được khám sức khỏe tổng thể, tất cả dữ liệu nhập vào hệ thống trên mạng tạo một hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Mục tiêu nhằm thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, chuyển tuyến. Nhờ sổ sức khỏe điện tử này, mỗi người dân như có một bác sĩ riêng để quản lý và theo dõi chăm sóc sức khỏe và không phải trả chi phí.
Phú Thọ đang thí điểm lập hồ sơ sức khỏe này tại huyện Yên Lập. Hơn 62.000 người dân trong số gần 93.000 người đã được khám và lập hồ sơ. Sở Y tế tỉnh dự kiến đến cuối tháng 6 sẽ thực hiện cho trên 90% dân số tỉnh.
Người dân huyện Quế Võ, Bắc Ninh được khám, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe điện tử. Ảnh: P.T. |
Tại Bắc Ninh, bà Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế Bắc Ninh cũng cho biết sẽ thí điểm tại 2 xã Chi Lăng và Phù Lương, huyện Quế Võ cho gần 16.000 người. Dự kiến trong 5-6 tháng tới, ngành triển khai trong toàn tỉnh. Hiện nay, trẻ dưới tuổi đã được quản lý hồ sơ sức khỏe qua tiêm chủng.
Ngành y tế Hà Nội cũng cam kết sẽ khám bệnh, lập sổ theo dõi sức khoẻ của tất cả người dân trong tháng 9. Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch triển khai quản lý hồ sơ cá nhân để trình UBND thành phố phê duyệt. Từ năm 2014, Hà Nội đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình và hiện quản lý trên 35.000 hồ sơ sức khỏe.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, với 42 cơ sở y tế công lập, trên 5.000 bác sĩ, Hà Nội có thể lập các tổ, bổ sung thiết bị máy móc để khám sức khỏe định kỳ cho người dân theo hình thức cuốn chiếu tại tất cả quận huyện. Các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ. Hà Nội sẽ lắp đặt đường truyền kết nối đến các trạm y tế, triển khai phần mềm nối mạng chung ở 42 cơ sở y tế. Người dân khám bệnh ở đâu trên địa bàn thành phố cũng sẽ được cập nhật vào hệ thống. Mỗi người có một mã số riêng, bác sĩ chỉ mở được các thông tin cá nhân nếu người bệnh đồng ý.
Đánh giá tiến độ việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân thí điểm tại 3 địa phương trên mới đây, Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị các đơn vị xây dựng và thống nhất việc khám, lập hồ sơ gồm các loại xét nghiệm (nhóm máu, công thức máu, đường huyết…), siêu âm, khám chuyên khoa… thống nhất trong việc khám và quản lý hồ sơ.
Thứ trưởng Tuấn cũng nhấn mạnh hồ sơ quản lý sức khỏe của mỗi người dân phải luôn được cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe của chính người đó.
Bộ Y tế đã thiết kế hồ sơ quản lý sức khỏe theo các nhóm tuổi: 0-6 tuổi, 6-18 tuổi, 18-60 tuổi và người cao tuổi. Theo đó, ngoài tiền sử sức khỏe, chiều cao cân nặng, mỗi người dân được xét nghiệm máu và công thức máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm tổng quát ổ bụng, xét nghiệm đường huyết và khám mắt. Các thông tin này sẽ được lưu bản cứng tại trạm y tế xã phường, cập nhật vào máy tính.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nếu thiết lập được một hệ thống hồ sơ quản lý chăm sóc sức khỏe của toàn bộ người dân trên cả nước, Bộ Y tế sẽ biết mô hình bệnh tật từng vùng, từng khu vực, từng lứa tuổi để từ đó có những phân tích, phục vụ công tác chuyên môn.
Phương Trang