Nguyễn Thị Trang sinh năm 1996 tại Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Khi sinh ra Trang đã có khối u ở vùng trán phải, ngày càng lớn. Con 5 tuổi, bố Nguyễn Văn Luận vượt đường xa, thiếu thốn đưa con gái ra Hà Nội chạy chữa. Bé được tiêm xơ rồi tái khám mỗi 3 tháng nhưng u vẫn tiếp tục phát triển và lan rộng.
6 tuổi, u nhiều lần hoại tử gây chảy máu ồ ạt, bé Trang phải đến bệnh viện gần nhà để khâu cầm máu. Từ đây người bố bắt đầu hành trình trở thành “bác sĩ” cận kề bên con. Mỗi lần con gái chảy máu mủ khắp mặt, bố Luận phải tự tay bông băng, dùng thuốc cầm máu vì trong nhà không ai đủ sức xử lý. “Có những lúc máu chảy 3-4 lần một ngày, có khi vài ngày không sao cả nên tôi không dám đi làm hay đi đâu xa quê”, ông bố nói.
Vào lớp một, Trang nhiều lần chảy máu bất ngờ trên lớp. Thời ấy không có điện thoại để liên lạc với gia đình nên thầy cô phải xử lý vết thương rồi thay nhau chở Trang về tận nhà. Bệnh tình ngày càng nặng, Trang học một thời gian rồi buộc phải dang dở đường đến trường. Không ít lần u vỡ ra gây nhiễm trùng, bố phải ngày ngày rửa, bôi thuốc cho con. Nhiều lần bố phải nằm ngủ cạnh, hễ con có động tĩnh lại bật dậy băng bó.
Có lần Trang ngất xỉu, trên đường đưa đi viện thì mắt trợn trắng, tay chân thẳng đờ, không thở được. Bố tưởng con đã tử vong nên chở ngược về. Đi một lúc, Trang thì thào “Bố ơi con lạnh quá”, mọi người hốt hoảng đưa Trang quay lại bệnh viện cấp cứu. Mỗi lần con chết đi sống lại, người bố như tích lũy thêm một kinh nghiệm y khoa trong việc chăm sóc.
Khối u gây dị dạng vùng mặt bên phải cháu bé. Ảnh: T.P |
Ra Hà Nội 8 lần khám ở nhiều bệnh viện đầu ngành nhưng vẫn vô vọng, hoàn cảnh túng thiếu nên gia đình chấp nhận cảnh nhiều năm triền miên bệnh tật của con. Năm 2015, Trang đang ngồi ăn cùng gia đình thì than buồn nôn, chuyện trước đây chưa hề xảy ra. Cô bé chạy ra trước nhà rồi gục xuống đất, lên cơn co giật nghiến răng, cắn luôn đôi đũa cạy miệng cho con khỏi cắn lưỡi.
“Lúc đó tôi cứ nghĩ mình sẽ mất con chứ không còn hy vọng gì nữa. Tôi lấy ngón tay ấn vào huyệt trên miệng con. Chừng 15 phút sau thì Trang mới mở mắt, mềm người lại”, ông Luận nhớ. Sau khoảng 2 giờ Trang mới tỉnh táo nhưng mơ màng không nhận ra mọi người, khuya hôm đó mới hồi phục. Những lần sau, mỗi lần nghe con nói buồn nôn là cả nhà lại chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng vào cuộc chiến “cấp cứu”.
Tháng 7/2016, bệnh chuyển biến nghiêm trọng nên Trang khám tại bệnh viện địa phương. Vùng mặt phải đã biến dạng nặng nề và đẩy nhãn cầu phải ra ngoài, thị lực mắt phải giảm 80%. Bác sĩ địa phương liên hệ với những bác sĩ Việt Nam tại nước ngoài với ý nguyện vận động kinh phí đưa bệnh nhân sang Đức điều trị.
Trong chuyến về nước làm việc tại TP HCM, một bác sĩ Việt kiều đã trao đổi về bệnh bé và biết được đồng nghiệp Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM có thể thực hiện can thiệp chữa trị. Không muốn bố mẹ tốn tiền, phải nợ nần nên Trang kiên quyết không đi. Gia đình cố công thuyết phục, hai bố con khăn gói theo xe đò vào miền Nam tìm cơ may. Trải qua lần can thiệp đầu tiên vào tháng 12/2016, Trang giảm hẳn nhức đầu, hết choáng, không còn co giật, ăn ngủ ngon hơn. Cô bé vừa nhập viện lại để thực hiện can thiệp lần thứ hai.
Trang và bố tại bệnh viện. Ảnh: T.P |
Tiến sĩ Trần Chí Cường, người trực tiếp điều trị cho biết bệnh nhân có đến hai dị dạng rất phức tạp trong não và cả ngoài mặt. Dị dạng mạch máu vùng mặt gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, làm hư mắt phải. Tuy nhiên dị dạng trong não mới gây nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân, nguy cơ tử vong, tàn tật.
Sau hai ca can thiệp, các bác sĩ gây tắc các mạch máu dị dạng vùng mặt bé. Hướng sắp tới sẽ phối hợp bác sĩ tạo hình để giảm thể tích khối biến dạng, làm gọn khuôn mặt và khi ổn định sẽ tiếp tục xử lý phần trong não. “Đây là một trong những trường hợp rất phức tạp vì dị dạng mạch máu cả hai nơi, đã để quá lâu năm nên diễn tiến nặng phải điều trị lâu dài”, bác sĩ Cường nói.
Đã được các bác sĩ vận động hỗ trợ khá nhiều nhưng gia đình vẫn cần gần 80 triệu đồng cho hai lần vào viện. Dự kiến Trang phải trải qua ít nhất khoảng 3 đợt điều trị tiếp. Nửa hào hứng vì bệnh tình thuyên giảm nhưng Trang lại lo ngại bố mẹ vì mình mà càng khốn đốn thêm. Gia đình phải cầm cố vay mượn nhưng không dám nói Trang biết vì sợ con lo nghĩ, đòi bỏ cuộc.
“Đường còn dài, phải tiếp tục nhiều lần mổ tốn kém nhưng sau hơn 20 năm chờ đợi, đến lúc đã có hướng điều trị nên gia đình sẽ cố theo đến cùng dù biết sẽ rất gian nan, kiệt quệ và không biết phải xoay sở thế nào”, người bố 53 tuổi bỏ lửng câu nói.
Lê Phương
lephuong@vnexpress.net