Home » Khỏe và đẹp » Khám sức khỏe lập sổ theo dõi, nhiều người phát hiện có bệnh mà không biết

Khám sức khỏe lập sổ theo dõi, nhiều người phát hiện có bệnh mà không biết

“Chúng tôi lập tức cho cụ uống thuốc hạ huyết áp sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm theo dõi trong khi ông cụ cứ cãi do uống rượu”, bác sĩ Vũ Thị Hoàng Lan, Trạm trưởng Y tế xã Cổ Bi kể lại. Rất nhiều người dân khi khám sức khỏe vài ngày qua đã phát hiện tăng huyết áp mà không biết. Thông thường huyết áp lên quá cao rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ, tai biến mạch máu não…

kham-suc-khoe-lap-so-theo-doi-nhieu-nguoi-phat-hien-co-benh-ma-khong-biet

Qua siêu âm ổ bụng, cụ ông được phát hiện bị gan nhiễm mỡ độ 1. Ảnh chụp tại trạm y tế xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội: N.Phương.

Trong 2 ngày 1-2/3, các bác sĩ ở Trạm Y tế xã Cổ Bi thực hiện khám và lập sổ theo dõi khám sức khỏe cho khoảng 400 người, chủ yếu là người lớn. Ngoài khám tai mũi họng, nghe tim, khám da, đo chiều cao cân nặng và vòng eo, người dân còn được siêu âm bụng tổng quát.

Theo bác sĩ Lê Văn Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm, sau thăm khám, không những bệnh cao huyết áp mà nhiều người còn được phát hiện có u nang gan, sỏi thận, nguy cơ sỏi thận, gan nhiễm mỡ… Có người phát hiện u bất thường ở gan được giới thiệu làm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán bệnh. Người có nguy cơ sỏi thận thì được tư vấn theo dõi lâm sàng, thay đổi chế độ ăn, tăng bài tiết…

kham-suc-khoe-lap-so-theo-doi-nhieu-nguoi-phat-hien-co-benh-ma-khong-biet-1

Ngoài đo chiều cao, cân nặng người dân còn được đo kích thước vòng eo. Ảnh: N.Phương.

Trong giai đoạn đầu, xã Cổ Bi lập kế hoạch lập hồ sơ theo dõi sức khỏe điện tử cho trẻ dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi; giai đoạn sau sẽ mở rộng toàn bộ người dân trong xã. “Mỗi người dân được cấp một mã số sức khỏe riêng, khi khám ở các bệnh viện khác của Hà Nội chỉ cần báo tên tuổi là bác sĩ đã có thể truy cập vào hồ sơ sức khỏe này”, bác sĩ Lan nói.

Hệ thống tự động gửi kết quả khám bệnh vào tin nhắn điện thoại người dân đã cung cấp khi lập hồ sơ. Theo bác sĩ Lan, mục tiêu là tất cả người dân được làm xét nghiệm máu với các thông số cơ bản như chỉ số đường huyết, mỡ máu, cholesterol… Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ những trường hợp bác sĩ chỉ định mới được làm xét nghiệm máu miễn phí.

kham-suc-khoe-lap-so-theo-doi-nhieu-nguoi-phat-hien-co-benh-ma-khong-biet-2

Người dân mang chứng minh thư, thẻ bảo hiểm y tế đến trạm y tế xã lập sổ theo dõi sức khỏe. Ảnh: N.Phương.

Trong các ngày 1-10/3, có 10 xã phường tại 5 quận huyện Hà Nội (gồm Long Biên, Gia Lâm, Ba Đình, Sóc Sơn, Nam Từ Liêm) thí điểm việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Hà Nội sẽ tổng kết trước khi triển khai rộng toàn thành phố. Dự kiến Hà Nội hoàn thành việc khám sức khỏe lần đầu và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho tất cả người dân vào tháng 9.

Trước Hà Nội, Phú Thọ và Bắc Ninh cũng đã thí điểm khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. Để khám sức khỏe cho người dân, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm, Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm cũng được huy động. 

Nam Phương