Bác sĩ Patricia Kho, chuyên khoa ung thư Trung tâm Ung thư Parkway, Singapore, cho biết sự ra đời của liệu pháp miễn dịch được đánh giá là một cuộc cách mạng khoa học. Phương pháp này được chứng minh hiệu quả cao nhất trong điều trị các khối u ác tính và ung thư phổi. Các thử nghiệm quy mô lớn hơn đang được tiến hành để kiểm tra hiệu quả của nó trong việc điều trị ung thư đường tiêu hóa,
Một phần của hệ tiêu hóa. Ảnh: thongtinungthu. |
Theo thống kê trên thế giới hiện nay, ung thư dạ dày là nguyên nhân phổ biến thứ hai dẫn đến tử vong do ung thư ở cả nam giới và nữ. Đây là loại ung thư phổ biến thứ 6 ở nam giới và thứ 8 ở phụ nữ tại Singapore với khoảng 300 người chết mỗi năm. Singapore cũng là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng cao nhất ở châu Á, số ca mắc mới không ngừng gia tăng.
Trước đây bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa như đại trực tràng và dạ dày chỉ có thể điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Vài năm trở lại đây, nhờ sự ra đời của phương pháp điều trị trúng đích, các chuyên gia ung thư có thể sử dụng các loại thuốc đích thế hệ mới như Avastin (bevacizumab) và Erbitux (Cetuximab) đã được chấp thuận dùng trong ung thư đại trực tràng di căn. Avastin hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới nuôi, khiến các tế bào ung thư mất chất dinh dưỡng và dễ bị tổn thương hơn khi hóa trị liệu. Còn Erbitux có tác dụng chặn các tín hiệu phát triển của tế bào u.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy hiệu quả của phương pháp này. Hiện nay cơ quan chức năng ở Singapore cũng đã phê duyệt cho sử dụng Avastin trong điều trị ung thư phổi, buồng trứng, cổ tử cung, thận và não. Erbitux được dùng trong một số loại ung thư đại tràng di căn và ung thư vùng đầu, cổ. Ngoài ra, còn có Cyramza (ramucirumab) và Herceptin (trastuzumab) dùng cho ung thư dạ dày ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới và sự tăng trưởng của tế bào ung thư.
Dù vậy, bác sĩ Kho nhìn nhận các phương pháp điều trị trúng đích không phải là “viên đạn ma thuật” bởi sau một thời gian, các tế bào ung thư sẽ phát triển và trở nên kháng thuốc. Để khắc phục nhược điểm này, các chuyên gia đã nghiên cứu ra một hình thức điều trị mới được gọi là liệu pháp miễn dịch, tức là dựa trên hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại bệnh ung thư.
Bác sĩ giải thích: Theo cơ chế thông thường hệ miễn dịch của cơ thể con người có khả năng ngăn chặn nhiễm trùng do vi khuẩn và virus gây ra. Song ở bệnh nhân ung thư, hệ miễn dịch thường bị suy yếu. Mục đích của liệu pháp miễn dịch là làm cho hệ miễn dịch trở nên khỏe mạnh hơn để chống lại tế bào ung thư. Không những thế liệu pháp này còn giúp loại bỏ sự ngụy trang của các tế bào ung thư, nhờ đó hệ miễn dịch dễ dàng nhận ra và tiêu diệt “kẻ lạ mặt gây phiền phức” này.