Thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, 3 tháng đầu năm cả nước ghi nhận 3 vụ ngộ độc do rượu methanol, với 78 người gặp nạn và 10 người tử vong. Riêng vụ ngộ độc rượu tập thể tại Lai Châu vào tháng 2 đã có đến 10 người thiệt mạng, 68 người bị ngộ độc. Trong khi đó năm 2016 không ghi nhận ca ngộ độc methanol nào. Năm 2015 có 2 vụ ngộ độc rượu methanol, 5 người gặp nạn và một tử vong. Hầu hết các loại rượu nạn nhân uống đều không rõ nguồn gốc, kinh doanh nhỏ lẻ, bán rong…
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 33 bệnh nhân cấp cứu vì ngộ độc rượu methanol, trong đó 9 người tử vong. Ngày nào Trung tâm cũng có ít nhất 2-3 bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện; có đợt cùng lúc 7 sinh viên. Nhiều trường hợp may mắn thoát chết thì cũng để lại di chứng nặng nề.
Nạn nhân mới nhất vụ ngộ độc rượu methanol đang cấp cứu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng nặng. Ảnh: T.A. |
Phát biểu tại hội thảo về lạm dụng rượu bia và ngộ độc rượu methanol diễn ra ở Hà Nội sáng 10/4, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến xót xa khi phải chứng kiến những nạn nhân ngộ độc methanol tử vong khi còn rất trẻ, nhiều trường hợp tàn phế… Rượu methanol gây ngộ độc nặng, tổn thương thần kinh, mù mắt thậm chí chết người. Xác định người chịu trách nhiệm hiện rất khó. Vì thế, theo Thứ trưởng cần nghiên cứu giải pháp cụ thể để giảm tối đa người sử dụng rượu bia, đặc biệt là rượu methanol.
“Nước ta có quá nhiều cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất rượu với hàng trăm lít không rõ nguồn gốc xuất xứ mỗi năm, chắc chắn sẽ vẫn còn những vụ ngộ độc nữa xảy ra”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm cũng cho rằng, phòng ngừa ngộ độc rượu methanol phải tập trung vào những người kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở ăn uống nhỏ lẻ. Các quán ăn này bán những chai rượu không nhãn mác, là nguyên nhân dẫn đến các ca tử vong do rượu methanol trong thời gian qua. Trong khi đó khó phân biệt bằng mắt thường một chai rượu trắng với một chai rượu pha từ cồn công nghiệp methanol, kể cả khi uống.
Theo các chuyên gia y tế, nồng độ cồn methanol trong máu bệnh nhân ngộ độc rượu thời gian gần đây thường cao gấp hàng chục, thậm chí gấp hàng nghìn lần so với mức cho phép cho thấy rượu được pha từ cồn công nghiệp methanol.
Chất cồn này vào cơ thể được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả bộ phận cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống rượu, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…; khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.
Nam Phương