Home » Khỏe và đẹp » Đề xuất cho phép phá thai từ 12 đến 22 tuần tuổi

Đề xuất cho phép phá thai từ 12 đến 22 tuần tuổi

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thảo luận các quy định trong dự thảo luật Dân số tại cuộc họp về các vấn đề xã hội của Quốc hội ở TP HCM ngày 28/4. Dự thảo quy định phụ nữ được quyền phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe thai phụ.

Giới hạn được phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên đến 22 tuần tuổi, trừ một số trường hợp cần cứu tính mạng người phụ nữ khi thai nghén đe dọa tính mạng, do thai nhi bất thường, bị dị tật bẩm sinh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của đứa trẻ sau này. Giải pháp này giúp hạn chế tình trạng phá thai dễ dãi, lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính trước khi sinh. Điều lo ngại là quy định quá chặt chẽ về tuổi thai có thể dẫn đến phá thai chui, không an toàn.

de-xuat-cho-phep-pha-thai-tu-12-den-22-tuan-tuoi

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thảo luận các quy định trong dự án Luật Dân số ngày 28/4. Ảnh: Đức Huy.

Theo Bộ trưởng Y tế, pháp luật các nước trên thế giới cũng rất khác nhau. Một số nước cấm phá thai, một số nước cho phép tự do, một số lại cho phép phá thai có điều kiện. Với Việt Nam, việc cấm phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người được phá là có tính khả thi, đảm bảo không cản trở thực hiện các quyền con người.

Mức sinh thay thế của Việt Nam đã được duy trì 10 năm qua song có sự khác biệt quá lớn giữa các vùng, các tỉnh, thành phố. Để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý, bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020, Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con dể duy trì mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước. Chính phủ quy định số con cụ thể trong từng giai đoạn, giảm sinh ở những tỉnh thành có mức sinh cao, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp.

Tư vấn phá thai tại bệnh viện sản ở TP HCM. Ảnh: Lê Phương.

Tư vấn phá thai tại bệnh viện sản ở TP HCM. Ảnh: Lê Phương.

Dự thảo luật cũng đề cập vấn đề tầm soát bệnh, tật bẩm sinh để nâng cao chất lượng dân số. Khuyến khích mọi đối tượng tham gia tự nguyện, ngân sách nhà nước hỗ trợ ưu tiên cho một số đối tượng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. Khuyến khích nam nữ chưa kết hôn đến tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Nhà nước hỗ trợ kinh phí tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho người trong độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ cao ảnh hưởng việc mang thai sinh con và con có nguy cơ bị bệnh, tật bẩm sinh.

Luật Dân số đang được Bộ Y tế xây dựng dự thảo, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào năm 2018.

Năm 2015, dự thảo luật Dân số đề xuất quy định cấm phụ nữ phá thai trên 12 tuần tuổi, trừ trường hợp mang thai gây nguy hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của thai phụ, thai nhi; do loạn luân; bị hiếp dâm; nguy cơ sinh ra trẻ có dị tật hoặc nguy cơ phát triển không bình thường. Điều này gây nhiều tranh cãi vì khó chứng minh bị hãm hiếp, loạn luân…

Lê Phương