Bác sĩ Vũ Văn Vũ, Trưởng Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết ung thư buồng trứng giai đoạn sớm không có triệu chứng đặc biệt. Khi tổn thương đã lan tràn khắp ổ bụng thì tùy theo mức độ lan tràn vào đâu sẽ thể hiện triệu chứng ở đó. Chẳng hạn khi khối u lan vào ruột hay trực tràng gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, tắc ruột… Khối u lan vào bàng quang làm kích thích đi tiểu nhiều lần, tiểu ra máu…
Hàng năm thế giới có khoảng 240.000 phụ nữ được chẩn đoán ung thư buồng trứng, 150.000 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm có chừng 1.200 phụ nữ mắc ung thư buồng trứng. Phần lớn bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn. Tỷ lệ sống 5 năm chỉ khoảng 45%, ung thư buồng trứng là căn bệnh cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong các loại ung thư phụ khoa.
Theo bác sĩ Vũ, bệnh tiến triển nhanh, khoảng vài tháng một khối u đã có thể phát triển di căn xa. Hiện vẫn chưa có biện pháp tầm soát thật sự hữu hiệu. Phụ nữ có thể tầm soát, khám sức khỏe định kỳ bằng biện pháp siêu âm bụng chậu, siêu âm qua ngả âm đạo để phát hiện bất thường. Trường hợp nghi ngờ các tổn thương có thể phối hợp các kiểm tra khác để xác định bệnh.
Ảnh minh họa: ovariancancer |
Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết điều trị ung thư buồng trứng khá phức tạp. Bệnh nhân tuy đáp ứng cao với điều trị hóa chất ban đầu nhưng phần lớn bệnh sẽ tái phát hoặc tiến triển trong thời gian ngắn. Trên 70% bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn muộn có nguy cơ bệnh tiến triển cao trong vòng 5 năm.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, đến nay các phương pháp kinh điển điều trị ung thư buồng trứng là phẫu thuật hay hóa trị. Gần đây liệu pháp kháng sinh mạch góp phần giảm đau đớn và kéo dài thời gian sống ở giai đoạn muộn. Khối u từ lúc xuất hiện đến lớn luôn có tình trạng sinh mạch, do đó phương pháp kháng lại quá trình này kết hợp với hóa trị có thể giúp bệnh ổn định trong thời gian nhất định. Liệu pháp này đã được ứng dụng ở Việt Nam trong điều trị ung thư ruột và phổi suốt hơn thập niên qua. Hiện Bộ Y tế đã cho phép áp dụng trong điều trị ung thư buồng trứng và cổ tử cung.
Ung thư buồng trứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giàu nghèo, hiện chưa rõ nguyên nhân nên khó phòng ngừa. Nhóm nguy cơ cao là người có đột biến gen, đột biến tế bào mầm, tiền sử gia đình mắc các ung thư vú, ruột, tuyến giáp, phổi. Nguy cơ cao cũng ở người có buồng trứng hoạt động nhiều, tức là rụng trứng liên tục, có kinh sớm, mãn kinh trễ, không có giai đoạn sinh nở để buồng trứng nghỉ ngơi.
Lê Phương