Bệnh nhân một năm trước gặp nạn, bị thùng gỗ đập vào mắt. Khi ấy bác sĩ đã xử lý lấy dị vật vùng ngoài mắt và may vết thương cho anh. Sau đó mắt luôn đau nhức, chảy ghèn, anh khám nhiều nơi không tìm ra nguyên nhân nên được điều trị liên tục bằng kháng sinh.
Bác sĩ Lê Thị Thanh Hải, Phó Khoa Mắt, Bệnh viện Thống Nhất cho biết bệnh nhân vào viện trong tình trạng mắt đỏ, cộm xốn, chảy nước mắt, sưng đỏ vùng gò má bên phải. Kết quả chụp CT phát hiện dị vật đâm xuyên từ hốc mắt vào xoang hàm. Do dị vật là gỗ, không cản quang như kim loại nên rất khó phát hiện. Bác sĩ hội chẩn cùng khoa Tai Mũi Họng để tiến hành phẫu thuật.
Các dị vật được lấy ra ngoài. Ảnh: C.P |
Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng cho biết dị vật xuyên từ mắt qua xoang hàm nên các bác sĩ đã kết hợp vừa mổ mắt vừa nội soi vùng xoang để tìm gắp. Sau cuộc phẫu thuật kéo dài 3 giờ, kíp mổ đã lấy ra khỏi ổ mắt một mảnh gỗ dài 6 cm và nhiều mảnh dăm khác.
Theo bác sĩ Hải, do thị lực bệnh nhân vẫn còn nên bên cạnh lấy dị vật phải cố gắng không làm ảnh hưởng nhãn cầu. Khi đưa mảnh gỗ đầu tiên ra ngoài, kíp mổ vẫn không rút lui mà kiên trì nội soi xuống tận xoang hàm để tìm tiếp và may mắn phát hiện nhiều mảnh vụn. Bệnh nhân được xử lý ổ nhiễm trùng trước khi khâu lại.
“Điều đặc biệt là mảnh gỗ khá dài nhưng khi đâm qua mắt xuyên xuống vùng xoang hàm lại không làm vỡ nhãn cầu như cơ chế chấn thương thường gặp”, bác sĩ Hải phân tích. Nếu không đưa ra khỏi cơ thể, dị vật có thể gây viêm não, viêm màng nào rất nguy hiểm. Sau mổ 5 ngày mắt bệnh nhân dần hồi phục tốt, bớt đau nhức.
Lê Phương