Bác sĩ Phạm Thị Hải Yến, Phụ trách Phòng khám kính tiếp xúc, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) cho biết, kính tiếp xúc hay kính áp tròng là một thiết bị y tế được đặt trực tiếp lên bề mặt giác mạc để chỉnh tật khúc xạ hoặc điều trị một số bệnh lý của giác mạc. Gần đây nhiều người biết đến kính điều trị cận thị không cần phẫu thuật.
Đây là kính tiếp xúc chỉnh hình giác mạc OrthoK đeo ban đêm giúp hạn chế tiến triển của cận thị hoặc cho những bệnh nhân không muốn đeo kính gọng, kính áp tròng ban ngày hoặc bệnh nhân không phù hợp với phẫu thuật khúc xạ.
Khám mắt trước khi đeo kính. |
Người bệnh đeo kính vào ban đêm trước khi đi ngủ. Trong khi đang ngủ, tròng kính tác động và làm thay đổi hình dáng bề mặt phía trước của giác mạc, giúp thị lực được cải thiện tối đa vào ngày hôm sau khi thức dậy và tháo tròng kính.
Tùy khả năng đáp ứng của mỗi người mà mức độ cải thiện của thị lực khác nhau. Vì thế, trong thời gian đầu người bệnh cần được khám thường xuyên. Tuy nhiên, người dùng phải thường xuyên tháo/đeo kính nên tuân thủ chính xác hướng dẫn của bác sĩ về cách sử dụng, vệ sinh…, bác sĩ Yến cho biết.
Hiện nay một số người tự đặt mua kính trên mạng mà không được khám, tư vấn đúng, đầy đủ về cách sử dụng, vệ sinh, bảo quản kính. Theo bác sĩ điều này có thể dẫn đến một số vấn đề như lựa chọn thông số kính không phù hợp, vệ sinh không đúng cách; thậm chí có thể dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm, đe dọa thị lực như viêm, loét giác mạc.
Bác sĩ Yến cũng lưu ý, độ giải an toàn cho người sử dụng kính OrthoK là cận tối đa đến 6 và độ loạn tối đa lên 2. Trong dải độ trên, kính có tác dụng rất tốt trong việc điều trị cận thị và kiểm soát sự tiến triển độ cận. Khi cận loạn quá độ dải trên nếu dùng sẽ không tác dụng nhiều mà còn có thể khiến người dùng bị tăng độ loạn khi giảm được vài độ cận.
Đây là kính điều chỉnh cận thị, không phải loạn thị, vì thế người bị loạn thị khi đeo kính sẽ không thể tốt như người chỉ bị cận thị.
Phương Trang