Bốn chiếc xe mới này đã nâng đội xe cứu thương cao cấp tại TP HCM lên 8 chiếc. Mỗi xe được trang bị như phòng hồi sức cấp cứu di động với máy hồi sức tim phổi tự động, máy sốc điện, xe lăn trượt trên cầu thang, bình oxy vận chuyển công suất lớn, bộ nẹp cố định áp lực âm, các thiết bị sơ cứu chấn thương, đèn pin công suất lớn. Hệ thống truyền trực tiếp số hiệu sinh tồn của bệnh nhân qua mạng 3G giúp bác sĩ trực tại phòng cấp cứu theo dõi tình trạng bệnh nhân từ xa.
Khi xảy ra tình huống khẩn cấp, người sử dụng dịch vụ nhấn điện thoại gọi tới *9999. Tổng đài viên hướng dẫn sơ cứu trước khi đội cấp cứu cùng xe cứu thương đến. Đội ngũ cấp cứu giữ liên lạc với người tại hiện trường và các bác sĩ ở phòng khám để đưa người bệnh đến cơ sở y tế phù hợp.
Mỗi xe được trang bị như phòng hồi sức cấp cứu di động. Ảnh: T.P |
Dịch vụ cấp cứu tư nhân quốc tế này ra mắt tại Việt Nam từ tháng 9 năm ngoái. Bác sĩ Rafi Kot, người đứng đầu của dịch vụ điều phối cho biết khó khăn hiện nay là quy định của Việt Nam trên xe cấp cứu phải có bác sĩ và điều dưỡng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, xe cấp cứu chỉ có lực lượng Paramedic, tức những người được đào tạo chuyên về cấp cứu ngoại viện. Bác sĩ và điều dưỡng chỉ tập trung làm tốt các công việc trong bệnh viện.
Các xe cấp cứu cao cấp hiện hoạt động 24/7 tại 14 quận TP HCM với tổng đài hỗ trợ bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Nếu đăng ký thành viên gói theo năm với chi phí 575.000 đồng một người thì có thể sử dụng dịch vụ không giới hạn số lần gọi. Phí thành viên bao gồm chi phí sơ cấp cứu tại chỗ và trên xe cứu thương trong quá trình chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế. Nếu không phải thành viên, phí vận chuyển cho một lần gọi cấp cứu từ 1.840.000 đồng.
Dự kiến năm 2018 đội cấp cứu hiện đại này tăng lên 26 xe, hoạt động trên toàn thành phố.
Bà mẹ được hướng dẫn sơ cứu con đuối nước khi gọi đến *9999
Lê Phương