Tự kỷ là hội chứng phức tạp cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Theo Nature Communications, mới đây các nhà khoa học từ Đại học Y Ican (Mỹ) phát hiện răng có thể trở thành công cụ chẩn đoán và xác định nguyên nhân tự kỷ.
Tiếp xúc với nhiều chì và ít mangan, kẽm khi ở trong bụng mẹ có thể làm tăng nguy cơ của trẻ. Ảnh: Parents Magazine. |
“Răng giống như ổ cứng sinh học”, tiến sĩ Manish Arora thuộc nhóm tác giả nói. Theo Medical Daily, tiến sĩ Arora cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu các cặp song sinh mới đẻ và nhận thấy răng trẻ tự kỷ có điểm khác biệt so với trẻ bình thường.
Cụ thể, vào khoảng cuối thai kỳ và vài tháng sau khi chào đời, răng trẻ tự kỷ chứa nhiều chì nhưng ít mangan và kẽm hơn trẻ bình thường. Ngoài ra, lượng kim loại độc hại ở trong răng còn cảnh báo mức độ nghiêm trọng của hội chứng tự kỷ khi trẻ lên 8-10 tuổi.
Theo WebMD, mangan cho phép cơ thể hoạt động bình thường đồng thời hỗ trợ sức khỏe xương khớp. Trong khi đó, kẽm là vitamin cần thiết gắn liền với quá trình phân chia tế bào. Trước đây, chế độ ăn nghèo kẽm, mangan đã được chứng minh dẫn đến rối loạn phát triển ở trẻ nhỏ và suy giảm sức khỏe sinh sản, kém hồi phục, thiếu hụt năng lượng, sút cân ở người lớn.
“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra khả năng gen tương tác với môi trường”, Abraham Reichenberg, đồng tác giả công trình nói. Tin rằng tự kỷ bắt đầu rất sớm từ khi trẻ còn ở trong bụng mẹ, Trưởng Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Mỹ là Cindy Lawler nhận định phát hiện trên là “bước tiến lớn”.
Cindy nhận định: “Thông thường, trẻ 3-4 tuổi mới được chẩn đoán tự kỷ nên không thể quay ngược xác định người mẹ đã tiếp xúc với cái gì lúc mang thai. Bằng cách kiểm tra răng trẻ, chúng ta sẽ làm được điều này”.
Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thêm các công trình để hiểu rõ mối liên hệ giữa chất dinh dưỡng, kim loại độc hại cũng như gen đối với hội chứng tự kỷ.
Minh Nguyên