Chải răng, dùng chỉ nha khoa sai cách hoặc không nhổ răng khôn có thể gây hôi miệng mà bạn không hay biết.
Viêm lợi không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến hôi miệng. Dưới đây là những lý do khác tạo ra vấn đề phiền phức này, theo Women’s Health.
Sử dụng thuốc
Thuốc huyết áp, chống trầm cảm và kháng histamine có thể gây tác dụng phụ là khô miệng, khiến nước bọt không đủ để làm sạch khoang miệng. Kết quả là hơi thở trở nên khó chịu.
Nếu đang sử dụng các loại thuốc trên, bạn nên bổ sung nước và nhai kẹo cao su chứa xylitol.
Đói
Bỏ bữa làm giảm lượng nước bọt, gây hôi miệng.
Nhiễm trùng khoang miệng
Khoang miệng quá nhiều vi khuẩn dẫn đến hơi thở có mùi lưu huỳnh. Bạn hãy xem lại thói quen vệ sinh răng miệng và đến gặp nha sĩ.
Viêm lợi không phải nguyên nhân duy nhất gây hôi miệng
Chải răng và dùng chỉ nha khoa sai cách
Hầu hết chúng ta đều chải răng và dùng chỉ nha khoa sai cách khiến thức ăn còn bám lại trong miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và hơi thở kém thơm tho.
Để chải răng đúng, bạn giữ bàn chải nằm ngang, nghiêng một góc 45 độ so với răng, từ từ di chuyển sang hai bên trái phải. Nên chải răng 2 lần một ngày, mỗi lần 2 phút. Đối với chỉ nha khoa, điều quan trọng là nhẹ nhàng và kỹ lưỡng. Đánh răng không thể làm sạch toàn bộ bề mặt răng, do đó bạn đừng quên dùng chỉ nha khoa.
Bỏ qua lưỡi
Răng không phải thứ duy nhất cần làm sạch. Vi khuẩn phát triển khắp khoang miệng, đặc biệt trên lưỡi. Bạn có thể tìm mua dụng cụ vệ sinh lưỡi ở mọi hiệu thuốc và sử dụng mỗi khi đánh răng. Lưu ý, tránh chà quá mạnh.
Không nhổ răng khôn
Răng khôn là một trong những thủ phạm dẫn đến hôi miệng bởi chúng dễ giữ lại thức ăn và vi khuẩn. Hãy tham khảo ý kiến nha sĩ xem liệu bạn có cần nhổ răng khôn hay không.
Sâu răng
Răng bị sâu không phải lúc nào cũng gây đau đớn. Điều này khiến bạn chủ quan mà không nhận ra vi khuẩn đang ăn mòn răng và giải phóng mùi lưu huỳnh. Lời khuyên cho bạn là hãy chăm chỉ đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần.
Nguồn: vnexpress
Xem thêm: Mùa thi, coi chừng tiêu chảy cấp do nhiễm trùng