Home » Mẹ và Bé » Chăm sóc trẻ » Giải pháp để bé không bao giờ biếng ăn

Giải pháp để bé không bao giờ biếng ăn

Khi đã no, bé sẽ phát tín hiệu là ngậm miệng, đẩy chén ra, kêu la, nhả thức ăn… Khi đó nên lau miệng bé, không ép ăn nữa.

Một trong những sai lầm thường gặp của cha mẹ khi bé biếng ăn là cố ép bé ăn được miếng nào hay miếng đó hoặc dụ bé ăn bằng những hình thức như cho xem TV, đồ chơi, bánh kẹo.

Việc ép ăn gây ảnh hưởng đến phát triển não bộ trong hành vi và tâm lý ăn uống. Biếng ăn là biểu hiện đầu tiên, dễ nhìn thấy, sâu xa hơn việc này còn khiến bé kém phân tích mùi vị và nếu bị ép lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Giáo sư Raj, Đại học Texas (Mỹ) nói rõ: Tâm lý lo lắng con biếng ăn hoặc sợ con không đủ cân nặng chuẩn, cha mẹ thường ép hoặc dụ bé ăn. Nhưng cha mẹ không biết rằng: dụ hay ép bé ăn không những không giúp cải thiện việc biếng ăn hoặc tăng trưởng của bé, mà còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe của bé.

Giải pháp để bé không bao giờ biếng ăn
Giải pháp để bé không bao giờ biếng ăn

Cách xử lý:

– Trường hợp 1: Khi bé đã no, bé sẽ phát tín hiệu là ngậm miệng, đẩy chén ra, kêu la, nhả thức ăn… Trong trường hợp này nên lau miệng bé, không ép ăn nữa. Đợi đến bữa kế mới cho ăn. Ngày kế tiếp vẫn ăn bình thường, không bỏ cách ngày.

– Trường hợp 2: Khi mẹ giới thiệu món mới, nếu bé tỏ vẻ không hài lòng thì cũng thường bị ép ăn. Cách xử lý trong trường hợp này là giới thiệu song song món bé ăn quen với món mới. Nếu bé không thích thì ngưng, chuyển sang cho bé ăn vài muỗng món bé quen, sau đó thử lại 1-2 muỗng món mới. Nếu bé không thích thì ngưng hẳn và chỉ giới thiệu món mới lại khi kết thúc bữa ăn. Ngày kế tiếp vẫn giới thiệu lại món mới đó và lặp lại hai ngày, nếu bé vẫn không thích thì cách 3 ngày lặp lại.

Giáo sư Galle – từ Viện nghiên cứu các vấn đề biếng ăn trẻ em ở Mỹ – đã khuyên khi giới thiệu thức ăn, các mẹ hay nói với bé là “Ăn đi con, ngon lắm đó, sao con không ăn”. Thay vì nói suông thì hãy cho bé thấy món đó ngon như thế nào. Tốt nhất bạn hãy làm mẫu cho bé, ăn một muỗng ngon lành và nói là: “Ngon lắm, mẹ thích món này lắm, con thử nhé”.

Làm theo cách này là bạn đang dạy bé phát triển tâm lý ăn uống chủ động. Giáo sư cũng cho thấy lời nói khích lệ sáo rỗng không khuyến khích được bé. Và đừng bao giờ nói với bé hoặc một ai đó trong gia đình hoặc một bé nào khác là “Bé nhà tôi không thích ăn món đó đâu, nó ăn vào là ói” vì điều này sẽ ảnh hưởng đến biếng ăn của bé rất nghiêm trọng.

– Trường hợp 3: Khi trẻ biếng ăn thì đầu tiên tuân thủ luật Mama, cho bé ăn ngồi ghế. Nếu bé bướng quá 10 phút thì lau miệng bé, đừng cố kéo dài bữa ăn và ép ăn khi bé không chịu. Theo Giáo sư Anna, càng kéo dài bữa ăn càng làm bé khó chịu và gặp nhiều vấn đề tiêu hóa. Lau miệng bé, kết thúc bữa ăn, đợi 2 tiếng sau giới thiệu lại bữa ăn chính khác hoặc một bữa phụ khác. Ngày kế tiếp bé vẫn được cho ăn bình thường và lặp lại quy trình cứ sau 2 giờ. Sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng là chìa khóa thành công trong giai đoạn bé đã bị biếng ăn.

Trong báo cáo trên tạp chí nhi khoa Canada, Giáo sư Bonnin đã nhấn mạnh mẹ càng nhiều áp lực trong việc ăn uống thì bé càng biếng ăn, vòng luẩn quẩn này sẽ không có lối thoát và tình trạng này sẽ kéo dài vài tháng đến lâu dài. Lối thoát duy nhất là mẹ nên hiểu biết và không tạo áp lực cho bản thân. Do đó, đầu tiên các mẹ nên làm là giảm áp lực, sau đó là kiên nhẫn.

Cả 2 điều này đều được các chuyên gia dinh dưỡng của Mỹ, Anh và Australia đặt lên hàng đầu khi đưa ra lời khuyên cho các mẹ. Giáo sư Gonzalez – chuyên gia hàng đầu về các vấn đề biếng ăn Nhi khoa của Anh chia sẻ rằng: “Các mẹ thường không giữ được bình tĩnh quá 5 lần khi bị bé từ chối thức ăn và mẹ càng stress hơn nữa. Nhưng những nghiên cứu lâm sàng cho thấy đa phần các bé phải ít nhất 10 -15 lần mới ăn tốt trở lại, như vậy mẹ đã thua bé về tính kiên nhẫn”.

Vắn tắt luật Mama:

– Thiết lập giờ ăn cố định trong ngày (ngay khi bắt đầu ăn dặm).

– Thời gian ăn không quá 30 phút cho bữa ăn chính và 20 phút cho bữa ăn phụ.

– Không cho bé xem TV, đồ chơi hoặc nhiều người xung quanh.

– Giới thiệu nước ép trái cây, sữa chua, snack nhẹ trước bữa ăn chính ít nhất 1-2 tiếng.

– Lượng sữa không quá 500-600ml đối với các bé.

– Bé nên được tập ngồi trên ghế ăn.

Nếu bé quá nhỏ (chưa ngồi vững) thì có thể ngồi trên ghế ngả ngửa hay ngồi tựa vào người mẹ để ăn (không nên cho bé nằm ăn).

Nếu bé đã ngồi ghế rồi, mà một ngày nào đó bé phản đối ngồi ghế, hoặc khóc khi ngồi vào ghế, quan sát và làm những điều sau: Đầu tiên, vẫn kiên quyết cho bé ngồi ghế: cho bé vào ghế vài phút trước bữa ăn, để yên đó cho bé tự điều chỉnh. Nếu bé không chịu ăn thì ngưng và thử lại 2 tiếng sau đó, ngày chỉ thử lại 3 lần, nếu 3 lần không kết quả, đợi ngày mai. Nếu sau 5 ngày bé vẫn kiên quyết từ chối ngồi ghế, thì có thể cho bé ngồi trên đùi mẹ để ăn, không cho bé đi khắp nơi để ăn.

Xem video: Xử lý khi bé ngậm miệng, đẩy thức ăn

Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn (ĐH Worcester – Anh)