Home » Khỏe và đẹp » 13 năm, 66 người Việt được ghép gan

13 năm, 66 người Việt được ghép gan

Chia sẻ tại hội thảo quốc tế về ghép gan do Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức ngày 18/2, giáo sư Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam cho biết tiến trình ghép gan tại Việt Nam đi sau thế giới 40 năm, sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm nhưng đã dần tiếp cận được các kỹ thuật hiện đại của các nước phát triển. Cả nước có 5 trung tâm ghép tạng, tại Hà Nội là Bệnh viện Quân y 103, Việt Đức, Nhi Trung ương, tại TP HCM có Bệnh viện Chợ Rẫy và Nhi đồng 2.

Mổ ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: T.P

Mổ ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: T.P

Sau ca ghép gan đầu tiên vào năm 2004, hiện cả nước đã thực hiện 66 ca, gồm 50 nam và 16 nữ. Người lớn tuổi nhất được ghép là 74 tuổi, nhỏ nhất là 7 tháng tuổi. Nguyên nhân ghép ở trẻ em đa số do teo hẹp đường mật, ở người lớn hầu hết là ung thư gan, xơ gan. Số ca được ghép hiện còn khá ít, trung bình mỗi năm chỉ 5-6 bệnh nhân.

Theo giáo sư Khánh, từ năm 2010 Bệnh viện Việt Đức đã tiên phong thực hiện thành công kỹ thuật ghép gan từ người cho chết não và số lượng tăng dần. Đến nay đã có 32 người được hồi sinh cuộc sống từ lá gan của người cho chết não. Thời gian mổ ghép từ người hiến chết não kéo dài trung bình 7,5 giờ. Thời gian mổ ghép ở trẻ em trung bình là 10 giờ, ca dài nhất là 14 giờ và ngắn nhất là 8 giờ. 

Trong số 66 ca đã thực hiện, có 3 trường hợp tử vong vì thải ghép cấp, chảy máu nặng. 11 trường hợp biến chứng sớm sau ghép. Hiện có 5 người đã sống trên 10 năm. “Dù bác sĩ Việt đã làm chủ được các kỹ thuật ghép gan tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn còn một số hạn chế trong quá trình chăm sóc hậu phẫu, điều trị sau ghép”, giáo sư Khánh đánh giá.

Ghép gan được thực hiện độc lập tại từng bệnh viện. Hai năm gần đây, ngành ghép gan Việt ghi dấu ấn với 2 lần điều phối gan người hiến chết não từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) vận chuyển bằng máy bay vượt hơn 1.700 km ra ghép cho 2 bệnh nhân Hà Nội.

Lê Phương