Home » Khỏe và đẹp » 25 năm, chiều cao của người Việt chỉ tăng thêm 3 cm

25 năm, chiều cao của người Việt chỉ tăng thêm 3 cm

Ngày 31/1, Bộ Y tế phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng về công tác dinh dưỡng. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam còn hạn chế. Chiều cao của cả nam giới và nữ giới Việt Nam tăng rất ít trong nhiều năm qua. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3 cm và hiện đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ.

Gene di truyền chỉ quyết định 20% chiều cao ở trẻ. Ảnh: N.P.

Gene di truyền chỉ quyết định 20% chiều cao ở trẻ. Ảnh: N.P.

Chiều cao này còn khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực Châu Á. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao ở trẻ em, trong đó trên 50% là do vai trò của bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực, ngoài ra là các yếu tố khác như di truyền, tâm lý, sức khỏe…

Vì thế, để cải thiện chiều cao thì cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về dinh dưỡng trong những năm đầu đời của trẻ, dinh dưỡng và vận động thể lực cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.

Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước mỗi năm chỉ giảm được 1%; hiện vẫn còn ở mức cao chiếm gần 25% và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng miền. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi phía Bắc là 30% và Tây Nguyên là 34%. Suy dinh dưỡng ở trẻ em đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi cùng với thiếu vi chất dinh dưỡng đã ảnh hưởng lớn đến phát triển chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam.

Nguồn lực cho công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu chỉ mới chỉ tập trung cho công tác pḥòng chống suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nhiều vấn đề dinh dưỡng quan trọng quyết định đến phát triển tầm vóc và thể lực của người dân như chăm sóc dinh dưỡng cho 1000 ngày đầu đời, dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi… chưa được chú trọng.

Đa số người dân chưa có nhận thức đầy đủ về dinh dưỡng, dinh dưỡng phù hợp cho từng nhóm đối tượng, thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời, chưa bảo đảm bữa ăn dinh dưỡng hợp lý trong các hộ gia đình, bữa ăn học đường, bữa ăn ca cho người lao động.

Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ ngành nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dinh dưỡng và hoạt động thể lực. Bên cạnh đó sẽ xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi…; ưu tiên việc chăm sóc sinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời (chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng từ khi mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi).

Kế hoạch hành động quốc gia đã xác định mục tiêu dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống. Một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 tăng chiều cao của trẻ 5 tuổi 1,5-2 cm; tăng chiều cao đạt được của người trưởng thành theo giới 1-1,5 cm so với năm 2010.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để cải thiện chiều cao của người Việt, điều quan trọng là cần có can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời. Cụ thể, khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung đủ chất, đủ dinh dưỡng, đa dạng để không sinh ra trẻ nhẹ cân, thấp còi. Tiếp theo là nuôi dưỡng trẻ thật tốt trong ba năm đầu đời, trẻ được bú sữa mẹ sớm và hoàn toàn trong sáu tháng đầu, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ít mắc bệnh…

Nam Phương