Các bác sĩ nội soi tán sỏi mật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Nữ bệnh nhân quê ở Vĩnh Long, làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Hai năm nay cô thường xuyên đau bụng, đã 15 lần cấp cứu tại các bệnh viện TP HCM và được chẩn đoán có nhiều sỏi mật. Về quê, ba tuần trước cô gái khám ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ. Bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng do có quá nhiều sỏi trong ống mật và đường mật ở gan, chỉ định nội soi tán sỏi.
Ca tán sỏi lần đầu bác sĩ lấy ra khoảng 100 viên. Do số lượng sỏi quá nhiều không thể lấy hết một lần nên bác sĩ phải tạm ngưng ca thủ thuật và đặt ống dẫn lưu chờ bệnh nhân dưỡng sức. Bốn ngày trước, cô gái nhập viện lần hai trong tình trạng đau bụng quằn quại, vàng da và sốt cao.
Lần này các bác sĩ tiếp tục nội soi qua ống dẫn lưu, tán 150 viên sỏi mật và lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
“Đây là trường hợp hiếm gặp đối với bệnh nhân còn trẻ tuổi nhưng lượng sỏi mật quá nhiều. Ca mổ nội soi đòi hỏi kỹ thuật cao và bác sĩ nhiều kinh nghiệm mới xử lý hết lượng sỏi trong người bệnh nhân”, bác sĩ chuyên khoa 2 La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ nói.
Mổ nội soi giúp bệnh nhân ít đau, ít có nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, mau hồi phục. Sức khỏe của nữ bệnh nhân đang tiến triển tốt, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Cửu Long