1/6 là ngày đáng nhớ với các y bác sĩ và nhiều bệnh nhân đến khoa nội soi Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM, điều trị. 12h trưa hôm ấy, đột nhiên 7 y bác sĩ cùng bệnh nhân tại khoa này lên cơn sốt, đau nhức khắp người. Triệu chứng của họ đều như nhau. Đến 15h, số bệnh nhân tương tự tăng lên 15 ca, và 19h tối cùng ngày lên 23 người bao gồm cả bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế.
Ban giám đốc bệnh viện đã sớm nắm được tình hình khi nhóm bệnh nhân đầu tiên có triệu chứng, bởi cùng một thời điểm có nhiều người xuất hiện các biểu hiện bệnh như nhau là điều bất thường.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ nhận định tình hình bệnh diễn tiến quá nhanh. “Xác định đây là chùm bệnh lây lan nhanh, các bác sĩ phán đoán khả năng cao do siêu vi cúm nên lấy mẫu máu xét nghiệm. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, mọi người khá lo lắng vì không biết loại virus gì, chỉ sợ đây là loại cúm H5N7 rất nguy hiểm”, bác sĩ Nhi bày tỏ.
Phân tích lại dữ liệu, bệnh viện phát hiện ca sốt đầu tiên vào sáng 1/6 là một phụ nữ ở Tiền Giang. Bệnh nhân này đang chờ phẫu thuật nội soi cắt tử cung, do sốt nên không đủ điều kiện sức khỏe để mổ. Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tai mũi họng nên được cho xuất viện. Người phụ nữ được xác định là nguồn lây bệnh đầu tiên cho những người khác.
21h cùng ngày, 18 mẫu máu từ những người bị sốt, đau nhức cơ tại Bệnh viện Từ Dũ được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đưa đi xét nghiệm. Thời gian chờ kết quả, các nhân viên y tế, thân nhân, bệnh nhân tại Khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ đều phải mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Bệnh nhân đã mổ xong cũng được yêu cầu chuyển về lại khu này để theo dõi, không nằm ở những khoa khác để tránh lây lan virus rộng hơn nữa. Mọi người lo lắng gần như không ngủ.
Để có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử các mẫu, trung bình phải mất 7-8 giờ. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM huy động các nhân viên y tế làm việc xuyên đêm. Rạng sáng 2/6, kết quả xét nghiệm cho thấy 16 bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Bác sĩ Nhi nói rằng, rất may đây là chủng cúm mùa thông thường, không nguy hiểm như cúm A/H5N7.
Khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ đã bắt đầu hoạt động trở lại từ chiều 4/6. Ảnh: Lê Phương. |
Xác định được thủ phạm gây ổ dịch, đội ngũ y tế bớt lo lắng hơn và bắt tay vào xử lý ổ dịch chống lây lan. Bệnh viện Từ Dũ bắt đầu khẩn trương khử khuẩn, hoãn mổ, ngưng tiếp nhận bệnh tại Khoa Nội soi. 83 bệnh nhân, thân nhân, nhân viên y tế nghi ngờ có tiếp xúc với các bệnh nhân được cách ly. 17 bệnh nhân sốt và 6 nhân viên y tế được điều trị Tamiflu. Các trường hợp ổn định có chỉ định xuất viện được hướng dẫn phòng ngừa lây lan và theo dõi cách ly tại địa phương.
Toàn bộ các bề mặt tiếp xúc, đặc biệt là sàn nhà, các nắm cửa, nơi ấn thang máy… được tăng cường làm vệ sinh 6-7 lần mỗi ngày. Khu Nội soi nằm ở lầu 5 được tập trung cao điểm trong việc khử khuẩn, các khoa khác chung tòa nhà 8 tầng cũng được xông phun theo kiểu cuốn chiếu.
Đến sáng 4/6, các giường bệnh, bàn khám tại khoa Nội soi đều trống vắng. Chỉ còn 5 bệnh nhân được cách ly trong một phòng riêng và hiện đã xuất viện. Các ca bệnh là bệnh nhân ở khu nội soi chờ mổ các bệnh lý phụ khoa, không có thai phụ nào nhiễm cúm. Ổ dịch nhờ vậy đã được khống chế ngay ở khoa nội soi, không có điều kiện phát tán lây lan trên diện rộng và ra ngoài bệnh viện.
Các nhân viên vệ sinh máy lạnh tại phòng bệnh khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ ngày 4/6. Ảnh: Lê Phương. |
Sau khi Sở Y tế TP HCM và Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, Viện Pasteur sang khảo sát đánh giá, tình hình dịch được kiểm soát, chiều 4/6, khoa mở cửa đón bệnh nhân trở lại. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết đây là chùm ca bệnh cúm đầu tiên trong năm 2018, thành phố chưa ghi nhận ca tử vong nào do cúm A/H1N1.
Các bác sĩ khuyến cáo, cúm A/H1N1 chỉ là cúm mùa, thường gây sốt ho khoảng một tuần rồi tự khỏi. Bệnh có thể gây nguy hiểm ở một số đối tượng như phụ nữ mang thai giữa 12 tuần tuổi, người có bệnh mạn tính, trẻ em, người cao tuổi… Không phải tất cả trường hợp nhiễm H1N1 đều gây ảnh hưởng đến thai nhi, các bà bầu cần chủ động phòng bệnh, theo dõi kỹ thai kỳ, tăng cường uống nước, bổ sung vitamin C và các thực phẩm tăng sức đề kháng.