Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các bộ phận liên quan đến sự cố 18 bệnh nhân bị tai biến giải trình nhằm tìm nguyên nhân. Tất cả các khâu từ quy trình, quả lọc, dịch lọc hay hệ thống nước qua dịch lọc vào máu bệnh nhân, đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tai biến.
Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, Phó Khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã thực hiện từ 7 năm nay. Khi nhân viên y tế thao tác, hệ thống máy sẽ báo quy trình được làm đúng chưa. Về vấn đề quả lọc, hiện nay Bộ Y tế cho phép tái sử dụng lại các quả lọc này với hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, trong số 18 ca chạy thận ngày 29/5 có những người được dùng quả lọc mới vẫn xảy ra sự cố.
Đối với dịch lọc, khoa Thận nhân tạo nhận dịch lọc từ phòng vật tư được đóng gói nguyên đai nguyên kiện. Số dịch lọc này một phần đã được dùng cho các bệnh nhân chạy thận hôm 27/5 không thấy bất thường. Riêng hệ thống nước thì một ngày trước vụ tai biến bệnh viện có tiến hành bảo dưỡng định kỳ.
Sáng 31/5, cơ quan điều tra đã làm việc với Công ty Dược phẩm Thiên Sơn là đơn vị cung cấp và thực hiện bảo dưỡng hệ thống nước cho máy chạy thận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Bệnh nhân bị tai biến khi chạy thận ở Hòa Bình đang được điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Nga. |
Tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhận định, đặc thù của phương pháp lọc máu ngoài thận là cùng lúc nhiều người được chạy thận. Vì thế, nếu trong cùng một ca chạy thận có 1-2 người xuất hiện dấu hiệu bất thường thì có thể do yếu tố cơ địa của từng cá thể. Trường hợp cùng lúc hàng loạt bệnh nhân bị tai biến thì cần chú ý đến hệ thống xử lý nước lọc thận, khâu rửa quả lọc đã đúng quy trình chưa, có còn chất tồn dư, hay vấn đề ở dịch truyền – dịch thẩm tách…
Cùng chung quan điểm với tiến sĩ Luận, bác sĩ Tạ Phương Dung, Trưởng Khoa Nội thận Miễn dịch Ghép Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) cho rằng biến chứng có thể xảy ra khi bệnh nhân chạy thận nhân tạo là tụt huyết áp, chuột rút, buồn nôn… nhưng ít khi dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Dung nhận định nếu tai biến trên một vài bệnh nhân thì có thể nghi vấn do thuốc, cơ địa từng người, nhưng không thể gây sự cố cho cùng lúc 18 người. Mỗi máy chạy thận chỉ sử dụng cho một bệnh nhân với các thông số được điều chỉnh phù hợp cho mỗi người. Hóa chất chạy thận thì mỗi lô thường được cung cấp cho nhiều bệnh viện, trung tâm chứ không riêng cơ sở nào nên nếu gây tai biến sẽ trên diện rộng hơn một đơn vị.
Bác sĩ Dung nghiêng nhiều về giả thiết gây tai biến do hệ thống nước dùng thẩm tách độc chất trong máu đã không đảm bảo. Về nguyên tắc, một người khi chức năng thận bị suy giảm thì các chất độc hại và nước dư thừa không được lọc ra khỏi cơ thể. Chạy thận nhân tạo giúp lọc sạch máu thông qua một màng lọc và chất thẩm tách. Thành phần thẩm tách này gồm chất điện giải và nước siêu tinh khiết. Trường hợp nước không đảm bảo tinh khiết sẽ dẫn đến thẩm thấu ngược, tức là thay vì lọc chất độc ra khỏi cơ thể bệnh nhân thì tràn ngược trở lại gây biến chứng, thậm chí tử vong.
Hệ thống xử lý nước này thường do bệnh viện tự làm hoặc đơn vị cung cấp máy thực hiện, phải được kiểm tra định kỳ 3 hay 6 tháng tùy cơ sở.
Tại sao một người phải chạy thận nhân tạo
Ngoài ra bác sĩ Dung cũng cho rằng nguyên nhân có thể từ vấn đề rửa màng lọc. Màng lọc chạy thận được dùng riêng cho từng bệnh nhân, tối đa chỉ sử dụng 6 lần cho một màng lọc. Màng lọc trước khi dùng cho lần sau phải được ngâm rửa kỹ trong hóa chất sau đó rửa lại bằng nước sạch. Nếu khâu rửa bằng nước sạch này không cẩn thận thì có khả năng hóa chất còn lưu lại trên màng lọc. Khâu này thường được thực hiện bằng máy hoặc bằng tay.
Nam Phương – Lê Phương