Home » Khỏe và đẹp » 4 người thiệt mạng do ngộ độc rượu

4 người thiệt mạng do ngộ độc rượu

Các bệnh nhân là nam 40-50 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì hôn mê, ngừng tim, tụt huyết áp, tổn thương thận, tổn thương não… 3 trường hợp xác định có hàm lượng methanol cao trong máu. Các bệnh nhân đều được đưa vào Bệnh viện 198 (Hà Nội) cấp cứu sau đó chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cứ vào dịp trước và sau Tết, tình trạng bệnh nhân ngộ độc rượu lại tăng. Ngày nào Trung tâm cũng có ít nhất 2-3 bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện.

Những năm qua tình trạng ngộ độc methanol có xu hướng tăng. Methanol xuất hiện với nồng độ cao trong máu do người bệnh uống phải rượu pha cồn công nghiệp hoặc pha riêng cồn công nghiệp với nước. Rượu tự nấu có ít methanol và không thể gây ngộ độc. Khi methanol trong máu lên đến 20mg/dl, người bệnh có nguy cơ bị tổn thương thần kinh.

Bệnh nhân ngộ độc methanol đều rất nguy hiểm, nhẹ thì mù mắt, nặng có thể tử vong. Sau 1-2 ngày uống rượu có methanol, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu mù mắt, sau đó trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong, nếu không phải chịu di chứng mù, giảm thị lực, mất trí nhớ…

Vì thế, để phòng ngộ độc rượu, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân không nên uống rượu hoặc uống có chừng mực, lựa chọn loại có nguồn gốc rõ ràng. Sau khi uống nếu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Khi ngộ độc methanol cần giải độc càng sớm càng tốt do chất độc chưa tấn công não, thần kinh, cơ quan nội tạng…

>> Xem thêm:

Những sai lầm khiến bạn dễ say rượu trong tiệc Tết
Gan bị rượu hủy hoại như thế nào?

Phương Trang