Home » Khỏe và đẹp » 40.000 người Việt chết mỗi năm liên quan thuốc lá

40.000 người Việt chết mỗi năm liên quan thuốc lá

Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang, Quản lý Dự án, Viện nghiên cứu Y- Xã hội học cho biết tại hội nghị tổng kết giai đoạn ba của dự án hỗ trợ cai nghiện thuốc lá diễn ra ngày 27/9, thuốc lá nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Nó đã giết chết 100 triệu người trong thế kỷ 20 và khoảng một tỷ người trong thế kỷ 21; được coi là đại dịch toàn cầu. Tại Việt Nam ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì các bệnh liên quan đến khói thuốc, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về số người trưởng thành hút thuốc. 

Cai nghiện thuốc lá là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm số người tử vong do sản phẩm tiêu dùng độc hại này. Rất nhiều nam giới muốn bỏ thuốc nhưng ít người thành công. 

40000-nguoi-viet-chet-moi-nam-lien-quan-thuoc-la

Nhiều nam giới muốn bỏ thuốc lá nhưng rất ít người thành công. Ảnh minh họa: HP.

Mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá tại tuyến y tế cơ sở đã được thực hiện, dự kiến nhân rộng tại các cơ sở y tế trong cả nước. Dự án do Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học, Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), Đại học New York thực hiện tại thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ, tỉnh Thái nguyên trong 5 năm 2014- 2018. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam về lĩnh vực hỗ trợ cai nghiện thuốc lá tại tuyến y tế cơ sở.

Trong giai đoạn ba, các cán bộ y tế của tám trạm y tế xã, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã được đào tạo, trang bị các kiến thức về tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Y tế thôn bản cũng được đào tạo để trở thành các tư vấn viên, tư vấn hỗ trợ người hút thuốc lá cai thuốc.

Sau một năm triển khai, trong số hơn 42.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh liên quan hút thuốc, gần 2.700 người được khuyên bỏ thuốc và hơn 1.300 lượt được tư vấn cai thuốc. Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy 38% người hút thuốc đã cai thuốc sáu tháng sau khi được tư vấn.

Cai thuốc lá, thuốc lào hoặc các chế phẩm từ thuốc lá không dễ dàng nhưng không phải không thể làm được. Trong 2 đến 4 tuần đầu, bệnh nhân cai thuốc phải trải qua những cơn thèm thuốc mạnh mẽ và ảnh hưởng bởi triệu chứng cai khi cơ thể thiếu hụt nicotine. Một số cảm giác khó chịu xảy đến với họ như mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ hoặc tăng cân. Tuy nhiên sau một vài tuần, những triệu chứng này sẽ giảm dần và biến mất.

Người cai nghiện phải đối mặt với những yếu tố kích thích do cảm xúc, tình huống hoặc các hoạt động sinh hoạt hàng ngày mang lại. Những yếu tố này làm cho họ cảm thấy thèm thuốc và làm việc cai thuốc dễ thất bại, ví dụ như hút thuốc vào buổi sáng lúc uống cà phê, hút thuốc và lúc nghỉ giữa giờ làm hoặc sau bữa ăn. Nếu tiếp tục ở trong các tình huống này, các yếu tố kích thích sẽ gây cho bạn cảm giác thèm thuốc.

Phương Trang