Từ đầu năm đến nay, 49 trường hợp tại 20 tỉnh thành tử vong cho bệnh dại. Nghệ An có số ca tử vong cao nhất nước.
Những trường hợp tử vong này hoàn toàn có thể tránh được bằng cách tiêm phòng bệnh dại cho chó; nếu bị chó mèo nghi dại cắn, cào thì cần tiêm phòng văcxin đúng và đầy đủ. Tuy nhiên, thay vì đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng, nhiều người chữa ở thầy lang, đắp thuốc nam… hoặc không nghĩ đến khả năng con vật bị dại. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần 100%.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm văcxin phòng dại trên toàn cầu. Để ngăn ngừa bệnh dại trên người, WHO khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm văcxin dự phòng bệnh dại.
Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây từ động vật sang người qua vết cắn, vết liếm trên da niêm mạc bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh thường 1-3 tháng sau khi bị cắn, hiếm khi dưới 10 ngày hoặc dài tới vài năm.
Khi bị chó cắn, việc quan trọng đầu tiên là xử lý vết thương tại nhà nhằm loại bỏ virus dại dính trong nước dãi tại vết thương. Rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước trong 15 phút, sau đó dùng các chất sát khuẩn như cồn iốt, rượu, các loại xà phòng, dầu gội, dầu tắm… Không làm dập vết thương, tránh khâu kín trừ trường hợp bất khả kháng. Sau đó đến ngay cơ sở y tế để được nhân viên y tế tư vấn và tiêm phòng.
Phương Trang