Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết phụ nữ khi đã quan hệ tình dục chưa chắc đã bị nhiễm vi khuẩn HPV. Nếu nhiễm HPV cũng có thể chưa nhiễm những chủng nguy cơ cao như HPV 16 và 18. Hoặc nhiễm một chủng có trong văcxin cũng chưa chắc nhiễm mạn tính, có thể cơ thể sẽ làm sạch nhiễm nên khi đó văcxin tạo kháng thể để ngừa cho việc tái nhiễm lần sau. Vì vậy bất kể đã quan hệ hay chưa, nữ giới trong độ tuổi tiêm ngừa từ 9 đến 26 tuổi đều tiêm được.
Sau khi xét nghiệm PAP phát hiện tổn thương tiền ung thư, việc tiêm ngừa HPV có còn ý nghĩa?
Khi làm PAP nội soi cổ tử cung phát hiện ra có sang thương ở cổ tử cung là giai đoạn tiền ung thư. Trong trường hợp đó vẫn nên tiêm ngừa vì còn những lợi ích từ các chủng HPV khác trong văcxin, chẳng hạn ngừa hai chủng HPV 6 và 11 gây bệnh mào gà sinh dục. Khi tiêm ngừa, ngoài việc dự phòng đối với các loại sang thương ung thư cổ tử cung, văcxin còn dự phòng cho các sang thương tiền ung thư âm hộ và âm đạo hay ung thư trực tràng.
Ảnh: health. |
Đang điều trị viêm lộ tuyến có tiêm ngừa HPV được không?
Viêm lộ tuyến cổ tử cung chưa phải là nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung nhưng đó là điều kiện thuận lợi cho việc nhiễm HPV. Đối với trường hợp này, cần phải tiêm ngừa càng sớm càng tốt. Trong quá trình tiêm thì vẫn điều trị viêm lộ tuyến như bình thường.
Nếu đang dự định có thai thì có nên tiêm ngừa HPV?
Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên tiêm ngừa một số bệnh thường xảy ra trong thai kỳ làm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của thai phụ và thai nhi như viêm gan siêu vi B, rubella, đậu mùa… Riêng với HPV nên hoàn tất trước khi mang thai 3 tháng là tối ưu.
Trường hợp không được như vậy thì có thể hoàn tất trước khi mang thai một tháng để có thể yên tâm không có những biến chứng do virus HPV gây ra.
Tiêm văcxin ngừa HPV khi đã thụ thai có ảnh hưởng thai nhi? Sinh xong, cho con bú có thể tiếp tục tiêm đủ liệu trình?
Văcxin HPV là văcxin tái tổ hợp, an toàn trong thai kỳ. Nếu lỡ tiêm khi đang mang thai cũng không nên lo lắng vì khoa học chứng minh văcxin không ảnh hưởng đến thai kỳ. Sau khi sinh 6 tuần có thể tiêm mũi tiếp theo. Văcxin không ảnh hưởng đến sữa nên cho con bú vẫn tiêm được.
Nam giới tiêm văcxin ngừa HPV có cần thiết không?
Hiện văcxin HPV đã được tiêm cho nam 9 đến 26 tuổi ở một số nước phát triển như Australia, Mỹ… Trên cơ sở khoa học, HPV không phân biệt nam hay nữ, vì vậy văcxin đều phát huy tốt cả hai giới. Không phải Việt Nam không tiến bộ nên không tiêm cho nam mà nằm ở chỗ chúng ta cân nhắc đến hoàn cảnh kinh tế, đối tượng nào được thụ hưởng lợi ích nhất với chi phí phù hợp.
Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ, với 95% trường hợp do virus HPV gây ra. Theo Kế hoạch Dự phòng và Kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế, 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời, tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%. Mỗi ngày tại Việt Nam có 7 phụ nữ qua đời vì ung thư cổ tử cung và có thêm 14 ca mắc mới.