Nhiều kinh nghiệm chăm bé được hơn 200 bác sĩ, điều dưỡng chia sẻ tại hội thảo “Chăm sóc da và giấc ngủ trẻ sơ sinh”, do Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Điều dưỡng Hỗ trợ Cộng đồng cùng Pampers tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia đầu ngành về sản – nhi, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ sơ sinh Việt chào đời. Da – cơ quan lớn nhất cơ thể và giấc ngủ – hoạt động chiếm đến 14 tiếng mỗi ngày, là 2 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển thể lực lẫn trí lực của trẻ sơ sinh.
Áp dụng 5 cách dưới đây không chỉ giúp trẻ ngủ ngon hơn, mà còn bảo vệ làn da non nớt của bé:
Nằm tổ kén
Nằm tổ kén là cách làm phổ biến ở phương Tây, tác dụng tương tự quấn khăn nhưng có ưu điểm là không hạn chế cử động của trẻ. Trẻ nằm tổ kén luôn giữ tư thế sinh lý giống như trong bụng mẹ: người và tay chân hơi gập, hai tay đưa về trước và cử động tự do, thân dễ dàng xoay trở. Bác sĩ Phạm Lê Mỹ Hạnh – Trưởng khoa nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec TP HCM)) mách mẹ làm tổ kén cho bé bằng một chiếc khăn bông sạch và mềm, cuộn tròn lại và uốn thành hình chữ O, sau đó đặt con nằm giữa.
Hội thảo triển khai kiến thức chuẩn hóa về chăm sóc da và giấc ngủ cho trẻ sơ sinh được Bộ Y tế phê duyệt theo quyết định số 125/QĐ-K2ĐT ngày 26/11/2016. |
Quấn khăn
Quấn khăn cũng là cách giúp trẻ nhũ nhi ngủ ngon, không giật mình thức giấc (phản xạ Moro) mà bác sĩ Phạm Lê Mỹ Hạnh khuyên làm. Trẻ có cảm giác an toàn, ấm áp, được bao bọc như lúc còn nằm trong ối mẹ. Nghiên cứu còn cho thấy, quấn khăn giúp trẻ ít rối loạn sinh lý, phối hợp và điều hòa vận động tốt hơn, giữ thẳng người và xương cổ.
Tuy nhiên bác sĩ lưu ý nên quấn vừa phải, bởi quấn chặt ngực có thể gây xẹp phổi. Giữ tư thế vai cuộn tròn về phía trước, 2 bàn tay đưa ra giữa, chân hơi dạng và gối hơi gập khi quấn trẻ. Quấn trong tư thế ép chân thẳng dễ gây loạn sản hông và trật khớp háng. Chỉ nên quấn khăn khi ngủ và có thể duy trì đến lúc trẻ được 2 tháng tuổi.
Tắm mát
Bác sĩ Đinh Phương Anh (Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, da trẻ nhỏ có nhiều khác biệt so với người lớn. Về cấu trúc, da bé mỏng hơn 30% so với da người trưởng thành. Về thành phần, làn da em bé giống như múi cam dễ khô và mất nước, trong khi da người lớn như chùm nho giữ nước trong thời gian dài.
Về chức năng, lớp acid ngoài da có vai trò diệt khuẩn chưa hoàn thiện, nên dễ nhiễm trùng hơn người lớn. Lớp sắc tố đen melanin bảo vệ da chống lại tác hại của tia cực tím ít hơn, nên da trẻ cũng dễ tổn thương bởi tia nắng mặt trời. Phải đến 18 tuổi, da trẻ mới phát triển hoàn thiện.
Bé tắm sạch mát sẽ ngủ giấc ngon và sâu hơn, song nữ hộ sinh và gia đình nên cẩn thận. Mẹ có thể tắm hàng ngày hoặc cách ngày cho bé tùy thời tiết. Nhất thiết phải tắm bằng nước ấm, trong phòng kín gió, khi bé không quá no để tránh nôn trớ. Cần chuẩn bị sẵn một chậu nước ấm 37 độ pha sữa tắm, một chậu nước sạch 38-39 độ để tráng rửa.
Mẹ nên rửa mặt và chân cho bé trước tiên, sau đó tắm dần từ dưới lên trên, gội đầu bước sau cùng. Đặt một chiếc khăn dày trên ngực bé và thường xuyên tưới nước ấm lên. Chỉ tắm gội nhanh trong 5-10 phút, song đừng quên chơi đùa nghịch với bé để con hào hứng với lần tắm sau. Trời nóng nực có thể tắm thêm buổi tối để bé dễ vào giấc ngủ hơn.
Hội thảo “Chăm sóc da và giấc ngủ trẻ sơ sinh” thu hút hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng tham gia. |
Mátxa ngày 3 lần
Theo điều dưỡng Trần Thị Phương Hạnh (Khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương), mátxa giúp bé giảm căng thẳng tinh thần, ngủ lâu và sâu giấc hơn. Ngoài ra, còn tăng lưu thông máu, năng động cơ khớp, thúc đẩy miễn dịch, giải phóng mồ hôi còn ứ đọng. Riêng mátxa bụng chống co thắt ruột và dạ dày, tăng nhu động ruột ở trẻ sinh non. Mátxa đầu và mặt giúp trí óc phát triển, tăng dẫn truyền thần kinh.
Mẹ nên mátxa cho bé ngày 3 lần, mỗi lần 10-30 phút, lúc trẻ không quá no cũng không quá đói. Mỗi động tác thực hiện 8-10 lần, mátxa đủ độ mạnh và sâu mới có tác dụng co cơ. Mátxa tới đâu cởi đồ của trẻ tới đó, quấn lại khi chuyển vị trí, tránh để bé nhiễm lạnh. Nên thể hiện tình cảm, giao tiếp bằng mắt, trò chuyện hoặc bật nhạc nghe cùng bé. Hoạt động vui vẻ này không chỉ giúp bé lớn nhanh, ngủ ngon, mà còn gắn kết mẹ với con.
Dùng tã dán khô thoáng
Trẻ sơ sinh một tháng tuổi trở mình khoảng 10 lần mỗi đêm và đi vệ sinh khoảng 12 lần. Trong đó, miếng lót sơ sinh ẩm ướt là nguyên nhân chính khiến trẻ khó chịu, rối loạn giấc ngủ. Theo ông Mark Thornton – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển ngành hàng chăm sóc trẻ em khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Pampers, trẻ sẽ ngủ ngon và sâu giấc hơn nếu được mặc tã dán thấm hút tốt, giữ mông bé khô thoáng suốt 12 giờ, thay vì dùng miếng lót sơ sinh chỉ 3-4 giờ.
Ông Mark Thornton trình bày cơ chế thấm hút nhanh của tã dán. |
Ông cũng dẫn nghiên cứu cho thấy, các loại tã dán hiện đại ngày nay còn giúp giảm 50% nguy cơ trẻ hăm tã. Có 4 nguyên nhân bỉm gây hăm tã ở trẻ sơ sinh, gồm môi trường pH cao trong nước tiểu, enzym trong chất thải, ma sát cao giữa tã và da, quá trình hydrat hóa hơi ẩm. Tuy nhiên, với những loại tã dán 5 lớp siêu thấm hút như Pampers, nguy cơ hăm tã sẽ được giảm tối đa.
Nhằm đưa ra chuẩn chăm bé tốt nhất, Trung tâm Tư vấn Dịch vụ Điều dưỡng Hỗ trợ Cộng đồng CNCS (Hội Điều dưỡng Việt Nam) hợp tác với nhãn hàng Pampers (Tập đoàn P&G) đã tổ chức hàng loạt hội thảo và lớp tập huấn cho 600 điều dưỡng tại 100 bệnh viện trên cả nước. Ông Phạm Đức Mục – Giám đốc trung tâm CNCS cho biết, sắp tới, những phương pháp giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc này sẽ được ứng dụng đồng bộ tại 5 bệnh viện sản – nhi lớn trên cả nước.
An San