Home » Khỏe và đẹp » 5 vấn đề y tế nổi bật 2017

5 vấn đề y tế nổi bật 2017

Lần đầu trong 20 năm Việt Nam nới lỏng chính sách sinh hai con

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng diễn ra hồi tháng 10 nhận định nếu duy trì chính sách giảm sinh quá lâu sẽ để lại những hệ lụy rất khó giải quyết. Từ trước đến nay chính sách dân số Việt Nam được định hướng là vận động mọi người dân sinh ít, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con hoặc dừng lại hai con để nuôi dạy cho tốt… 

Lần đầu tiên trong 20 năm, Trung ương Đảng không đặt vấn đề tiếp tục giảm sinh mà trước mắt duy trì mức sinh thay thế, vận động giảm sinh ở nơi mức sinh nhiều, sinh đủ hai con ở nơi sinh ít, giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nghị quyết cụ thể đang được Ban chấp hành Trung ương Đảng xây dựng. Mục tiêu đến năm 2030, tuổi thọ bình quân người Việt đạt 75, thời gian sống khỏe mạnh tối thiểu 68 năm. Chiều cao người Việt Nam khi 18 tuổi nam 168,5 cm, nữ 157,5 cm. Chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á…

Liên tiếp nhiều ca tai biến y khoa nặng nề

Năm 2017 đánh dấu nhiều ca tai biến y khoa cũng lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử y học Việt Nam và trở thành bài học kinh nghiệm trong hoạt động khám chữa bệnh cho ngành y tế.

Ca chạy thận nhân tạo đầu tiên trong ngày 29/5 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã trở thành thảm họa, được Bộ Y tế đánh giá là sự cố y khoa nghiêm trọng chưa từng có.

Chưa đầy một giờ sau khi chạy thận, 18 người xuất hiện các dấu hiệu sốc phản vệ. 8 người sau đó lần lượt tử vong, 10 người may mắn sống sót được chuyển khẩn cấp sang Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình chạy thận tiếp, sau đó đưa về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong đêm. Các chuyên gia đầu ngành được huy động hỗ trợNguyên nhân dẫn đến tai biến chưa từng có này, theo cơ quan điều tra là do nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo, các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình. Đến nay vụ án chưa được đưa ra xét xử. Bệnh viện và gia đình 8 nạn nhân tử vong sau nhiều lần thương thảo đã không thể thống nhất được mức đền bù. 

Sau vụ tai biến, các cơ sở y tế có dịch vụ chạy thận nhân tạo trên cả nước đều phải rà soát toàn bộ quy trình hoạt động chạy thận nhân tạo gồm dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, quy trình vận hành máy… để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. 

Các y bác sĩ nỗ lực hồi sức cấp cứu cho một bệnh nhân trong vụ tai biến chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, hồi cuối tháng 5. Ảnh: Nam Phương.

Các y bác sĩ nỗ lực hồi sức cấp cứu cho một bệnh nhân trong vụ tai biến chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, hồi cuối tháng 5. Ảnh: Nam Phương.

Sáu tháng sau ca tai biến chạy thận ở Hòa Bình, chỉ trong buổi sáng 20/11, 4 em bé sinh non tháng đang điều trị ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn. Gần 20 bé khác được chuyển khẩn cấp về các bệnh viện lớn ở Hà Nội để điều trị cách ly. Kết quả cấy vi khuẩn trên bề mặt giường nằm của các bé, trên tay của y bác sĩ… phát hiện loại vi khuẩn kháng kháng sinh cực kỳ nguy hiểm. Đơn nguyên Sơ sinh của bệnh viện phải dừng hoạt động và tiến hành khử khuẩn cuốn chiếu.

Đây là lần đầu tiên một bệnh viện ở Việt Nam xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn gây hậu quả hết sức nặng nề là cướp đi 4 sinh mạng trẻ thơ mới chào đời. Nhiễm khuẩn bệnh viện không phải vấn đề mới trên thế giới. Việt Nam là nước có tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh cao nhất thế giới. 

Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội lan nhanh gấp 700 lần

Trong hai tháng 7-8, Hà Nội trong tâm dịch sốt xuất huyết với tốc độ lan nhanh gấp 700 lần so với cùng kỳ năm trước, gần 25.000 người mắc bệnh. Đây cũng là nơi có tốc độ tăng số ca bệnh nhanh nhất cả nước. 12 quận, huyện ở mức báo động đỏ. Ngành y tế ghi nhận hơn 2.000 ổ dịch, với bảy người tử vong.

Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tính theo tuần.

Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tính theo tuần.

Các năm trước Hà Nội chỉ ghi nhận hai type virus D1, D2 gây sốt xuất huyết, năm nay xuất hiện thêm cả type D3, D4. Có ngày khoảng 2.000 bệnh nhân nhập viện. Các bệnh viện tại thủ đô quá tải, bệnh nhân tăng gấp bốn lần năm ngoái. Hà Nội phải nhờ các tỉnh lân cận chi viện máy phun diệt muỗi công suất lớn và nhân lực hỗ trợ phòng chống dịch.  

Những bất cập về đấu thầu thuốc bộc lộ sau vụ án VN Pharma

Công ty VN Pharma bị cơ quan điều tra xác định đã làm giả hồ sơ nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg chữa ung thư từ nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc., Canada. Lô thuốc này được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu cuối tháng 12/2013. Vụ án được xét xử vào giữa tháng 8, cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị tòa tuyên 12 năm tù về tội buôn lậu. Trong phiên xử phúc thẩm cuối tháng 10, cựu chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị bắt giam tại tòa để phục vụ công tác điều tra, sau thời gian được tại ngoại. Tòa phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra lại. 

Các chuyên gia y tế nhận định, thuốc kém chất lượng như của VN Pharma dễ lách luật khi đấu thầu tập trung. Năm 2014 là lần đầu tiên Sở Y tế TP HCM đấu thầu thuốc tập trung thay vì từng bệnh viện tổ chức như trước. Công ty Cổ phần VN Pharma tham gia đấu và trúng thầu 64 mặt hàng trong đó có thuốc H-Capita chữa ung thư. Sau hai đợt đấu thầu tập trung với nhiều bất cập, Bộ Y tế ban hành thông tư số 11 phân cấp đấu thầu.

Từ năm 2016 đến nay Bộ Y tế tiến hành đấu thầu tập trung 5 nhón thuốc, đàm phán giá 8 loại thuốc, Sở Y tế địa phương đấu thầu 106 mặt hàng. Các cơ sở khám chữa bệnh có thể đấu thầu tập trung tại Sở hoặc đấu thầu riêng lẻ các loại thuốc còn lại theo nhu cầu. 

38 bệnh viện trung ương liên thông kết quả xét nghiệm

Từ ngày 1/8, Bộ Y tế thí điểm thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm tại 38 bệnh viện trung ương, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm.

Cả nước hiện có 38 bệnh viện tuyến trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 645 bệnh viện huyện và 31 bệnh viện ngành. Chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị chưa đồng đều. Vì thế các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau khiến bệnh nhân phải xét nghiệm nhiều lần đã gây mất thời gian và tốn kém tiền bạc.

Theo lộ trình chậm nhất đến năm 2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương. Đến năm 2020 liên thông với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành. Năm 2025 sẽ liên thông phạm vi toàn quốc.

Lê Phương – Nam Phương