Home » Khỏe và đẹp » 6 sai lầm tai hại khi phòng trị bệnh thủy đậu

6 sai lầm tai hại khi phòng trị bệnh thủy đậu

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh thủy đậu đang vào mùa ở phía Nam và sẽ tăng nhanh đến tháng 4-5 theo chu kỳ. Để phòng và trị bệnh hiệu quả, bác sĩ Khanh đúc kết 6 sai lầm hiện nay nhiều người mắc phải, khiến cho thủy đậu dễ lây lan ra môi trường hoặc biến chứng nặng hơn.

Chỉ phòng ngừa khi người xung quanh có triệu chứng rõ ràng

Thủy đậu lây nhanh vì khả năng phát tán virus môi trường xung quanh ngay từ khi người bệnh chưa nổi bỏng nước. Khi các nốt bỏng nước đã khô, virus vẫn phát tán qua đường hô hấp trong vòng 3 tuần. Thường mọi người chỉ có tâm lý phòng bệnh trong giai đoạn người thân đang có biểu hiện rõ ràng.

Tiêm ngừa văcxin không đủ 2 mũi cho trẻ

Theo bác sĩ Khanh, mô hình bệnh đang thay đổi. Trước đây thủy đậu thường gặp ở trẻ trong độ tuổi đi học đến 10 tuổi. Hiện nhiều người trên 20 tuổi mắc bệnh do chưa chích ngừa và lây ngược lại cho trẻ nhỏ nếu không biết cách phòng ngừa và cách ly. Nhiều bà mẹ mắc bệnh đã lây cho con mới sinh. Không ít trẻ mắc bệnh dù đã tiêm ngừa văcxin một lần.

Ở những nước phát triển, thủy đậu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, miễn dịch cộng đồng ở mức cao nên chỉ chích ngừa một mũi đã đảm bảo phòng bệnh. Ở Việt Nam, tỷ lệ người tiêm ngừa trong cộng đồng ở mức thấp nên nhiều trẻ chích ngừa một mũi văcxin vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Nên chích 2 mũi, mũi 1 lúc trẻ 12 tháng tuổi và mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 3 tháng để đảm bảo miễn dịch. Việc tiêm nhắc lại rất cần thiết, nhất là khi xung quanh có nhiều người mắc bệnh.

Trẻ điều trị bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: T.C

Trẻ điều trị bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: T.C

Không chích ngừa trước khi mang thai

Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ nếu mắc thủy đậu có thể gây hậu quả cho thai nhi như chậm phát triển, sẹo sau sinh, đục thủy tinh thể, sảy thai… Phụ nữ chuẩn bị có gia đình, đang độ tuổi sinh sản, có ý định mang thai cần chích ngừa trước khi mang thai 1-2 tháng. Sau sinh cần chủ động chích ngừa cho trẻ theo lịch. Phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể chích ngừa bình thường. 

Chẩn đoán nhầm dẫn đến điều trị không kịp thời

Thủy đậu là bệnh chỉ bị một lần trong đời. Bệnh dễ bị chẩn đoán lầm sang nhiễm trùng da, virus herpes… Đặc tính của thủy đậu là nổi rất nhanh, trong vài giờ đã xuất hiện mụn nước rải rác khắp người, ít khu trú vùng nào.

Kiêng nước, trùm kín

Không ít người cho rằng người bệnh thủy đậu nên kiêng nước, kiêng gió, trùm kín. Quan điểm này rất sai lầm vì càng gây đổ mồ hôi, ngứa, vỡ bỏng nước, dễ nhiễm trùng vết rạ, nhiễm trùng da, để lại sẹo… 

Trị bệnh bằng gốc rạ

“Những nốt đỏ của bệnh thủy đậu giống với chân rạ nên dân gian gọi là bệnh trái rạ. Do đó nhiều người tắm gốc rạ, uống nước rạ vì nghĩ sẽ giải quyết được bệnh”, bác sĩ Khanh cho biết. Thực tế tắm bằng gốc rạ dễ gây ngứa, nhiễm trùng da. Đốt gốc rạ uống có thể gây ngộ độc.

Lê Phương