Home » Khỏe và đẹp » 7 điều không nên nói với người bị ung thư

7 điều không nên nói với người bị ung thư

Theo Independent, ung thư đang gia tăng nhanh trên toàn cầu. Nếu không phải bạn mắc bệnh thì khả năng một số bạn bè, người thân xung quanh dính phải căn bệnh mang “án tử” vào một thời điểm nào đấy. Trong tình huống này, việc lựa lời phù hợp để trò chuyện, chia sẻ không phải là dễ dàng.

Quan trọng với người đang đối diện ung thư là lắng nghe chứ không phải nói chuyện. Ảnh: independent.

Quan trọng với người đang đối diện ung thư là lắng nghe chứ không phải nói chuyện. Ảnh: independent.

Nhóm hỗ trợ tại Trung tâm điều trị ung thư Mỹ đưa ra 7 lời khuyên không nên nói với người bệnh.

1. Bạn thế nào, có khỏe không?

Mặc dù có vẻ như một lời hỏi han quan tâm chu đáo nhưng câu nói này có thể khiến người bệnh phải chịu đựng thêm đau buồn về tình trạng sức khỏe hiện tại và tưởng tượng mọi thứ theo chiều hướng xấu hơn.

2. Ý kiến quá lạc quan

Khi đối diện với ung thư, bạn không cần một đội cổ vũ. Hơn nữa các ý kiến lạc quan như “Bạn sẽ ổn thôi” có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy tội lỗi nếu họ không thể cải thiện tích cực. Bác sĩ Stan Goldberg, người mắc bệnh ung thư tuyến tụy ở độ tuổi 57, giải thích rằng “tinh thần lạc quan giả dối làm giảm giá trị những gì đang diễn ra trong cơ thể của tôi”.

3. Ít nhất thì bạn cũng đang giảm được một số cân

Nói đùa về những thay đổi trọng lượng của người bệnh trong lúc này không phải là hữu ích.

4. So sánh với một người bệnh ung thư khác

Mỗi bệnh ung thư là khác nhau, vì vậy ngay cả khi chú của bạn đã sống sót sau khi điều trị bệnh, việc so sánh cũng không thể giúp người bệnh tốt hơn.

5. Bạn may mắn vì không mắc bệnh ung thư tồi tệ hơn

Mặc dù câu nói này giúp giảm sự nghiêm trọng của căn bệnh, nhưng nó không làm bệnh nhân cảm thấy tốt hơn. Không có may mắn nào cả nếu bạn bị ung thư.

6. Hỏi về tiên lượng

Câu này tốt để thảo luận về tiến trình điều trị sắp tới, nhưng tốt hơn là không đề cập tới trong trường hợp họ không muốn nói về nó.

7. Cảm xúc riêng về nỗi đau buồn

Không nên nói với người bệnh về sự hối tiếc khi chứng kiến họ chiến đấu đau đớn với ung thư mà mình không thể giúp gì được. Điều này chỉ càng làm cho mọi thứ thêm nặng nề, u ám.

Vậy nên nói những gì?

Theo bác sĩ Goldberg, điều hữu ích là nên cung cấp những sự trợ giúp cụ thể. Đừng nói “Hãy cho tôi biết những gì tôi có thể làm để giúp bạn”. Thay vào đó hãy thể hiện “Tôi sẽ làm bữa ăn tối cho bạn vào một ngày trong tuần này”.

Bác sĩ Wendy Schlessel Harpham, người đã chiến đấu với ung thư trong hai thập kỷ đồng ý rằng nên cùng nhau làm những việc thiết thực như dắt chó đi dạo, đi siêu thị mua thức ăn. “Quan trọng hơn hết với người đang trải qua ung thư là lắng nghe, chứ không phải nói chuyện”, bác sĩ Wendy chia sẻ.

>> Xem thêm: 5 khủng hoảng tâm lý của người bệnh ung thư

Mỹ Lê