Theo Prevention, có nhiều nguyên nhân khiến bạn dễ cảm lạnh vào một thời điểm nào đó trong mùa này. Các triệu chứng thường gặp là ho, đau họng, nghẹt mũi và giảm dần sau một tuần.
Ảnh: prevention. |
1. Nhiều stress
Các hormone căng thẳng cortisol có thể ngăn chặn hệ thống miễn dịch khiến bạn dễ dàng bị cảm lạnh và lâu khỏi hơn. Các biện pháp giảm căng thẳng thông qua yoga, thiền, tập thể dục… có tác động tích cực đến việc thúc đẩy hệ miễn dịch.
2. Ngủ quá ít
Cơ thể cần nghỉ ngơi đủ giấc để chống nhiễm trùng. Ngủ đủ được xem là liều thuốc bổ của cơ thể, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Cần ngủ 7-8 giờ mỗi đêm, đặc biệt là khi đang bệnh.
3. Hút thuốc
Người hút thuốc lá thường có triệu chứng cảm lạnh nặng và kéo dài hơn người không hút.
4. Dùng quá nhiều thuốc thông mũi
Khi bạn cảm thấy ngột ngạt, thuốc xịt mũi chống sung huyết có thể mang lại cảm giác thoải mái tạm thời. “Chỉ nên dùng thuốc thông mũi khoảng khoảng 3 ngày, nếu dùng kéo dài có thể tạo thành thói quen và gây viêm mũi thường xuyên”, bác sĩ Arthur Wu chuyên về xoang tại Mỹ khuyên.
5. Tập thể dục quá sức
Tập thể dục giúp tăng cường miễn dịch nhưng nếu hoạt động quá vất vả, căng thẳng có thể tác động xấu đến hệ miễn dịch. “Lắng nghe cơ thể bạn, tập luyện vừa sức để giúp cơ thể chống bệnh tật”, bác sĩ nội khoa Arefa Cassoobhoy chia sẻ.
6. Bị dị ứng
Mùa xuân với nhiều tác nhân gây dị ứng, bụi, lông vật nuôi… có thể làm nặng thêm các bệnh dị ứng quanh năm. Triệu chứng cảm lạnh dễ nhầm lẫn với tình trạng dị ứng như chảy mũi, ho, đau họng. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1-2 tuần mà vẫn không khỏi, có thể bạn đã bị dị ứng nên cần đi kiểm tra.
7. Có thể là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng
Các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, đau nhức cơ bắp, nghẹt mũi kéo dài có thể báo hiệu cơ thể đang mắc bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn như viêm xoang, viêm phế quản, nhiễm trùng tai hay thậm chí viêm phổi… Hãy đến bác sĩ để có sự điều trị phù hợp.
Mỹ Lê