Đang điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ông Văn (48 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn trong tình trạng hôn mê phải lọc máu. Vợ ông cho biết bệnh nhân đi làm việc ở Hà Nội 2 tuần về nhà một lần. Ngày 25/2, ông về nhà không có dấu hiệu đặc biệt. Sáng hôm sau ông đau đầu, mờ mắt không nhìn thấy gì, ý thức xấu dần đi. Gia đình đưa ông vào Bệnh viện 105 Sơn Tây, được chẩn đoán bị ngộ độc rượu methanol nên chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả xét nghiệm methanol trong máu bệnh nhân lên tới 47,6 mg/dL, trong khi hàm lượng methanol chỉ cần ở mức 20 mg/dL là đã nguy hiểm. Người bệnh phải lọc máu, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Ngoài bệnh nhân trên còn có 6 trường hợp khác đang điều trị tại Trung tâm vì ngộ độc methanol. Trong số 7 bệnh nhân đang điều trị có một người súc miệng bằng cồn, một người uống rượu pha cồn công nghiệp và 5 ca do uống rượu trắng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chuyển hóa toan nặng (trong máu nhiều axít), mờ mắt, giảm thị lực, hôn mê, tụt huyết áp, có bệnh nhân ngừng tim tại tuyến y tế cơ sở.
Theo bác sĩ Nguyên, việc trong vài ngày có nhiều bệnh nhân bị ngộ độc methanol là rất đáng báo động. Trong số các bệnh nhân có 3 ca đang hôn mê, có người hồi phục tốt, có người có thể để lại di chứng…
Mới đây, tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cũng xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến 7 người tử vong sau khi ăn cỗ đám ma. Nguyên nhân được xác định ban đầu do ngộ độc rượu chứa cồn methanol. Kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu lấy tại đám cưới cho thấy hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép hàng nghìn lần.
Methanol là cồn công nghiệp, các nhà hàng thường dùng khi làm đồ nướng hay lẩu, tuy nhiên một số người lại sử dụng để pha thành rượu gây ngộ độc khi uống. Trường hợp ngộ độc methanol nhẹ thì mù mắt, nặng có thể tử vong. Theo các bác sĩ, sau 1-2 ngày uống rượu methanol, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mù mắt, sau đó trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo khi quá chén, người dân không nên tự đi lại một mình, lái xe, vận hành máy móc hay lao động khác; chú ý ăn đủ chất tinh bột, có đường. Khi ngủ, cần để người bệnh ở tư thế nằm nghiêng đâu và cai cao hơn, giữ ấm và có người theo dõi; đảm bảo thờ đều, êm và hồng hào, gọi hỏi biết. Nếu chuyển biến nặng như gọi hỏi không biết, co giật, thở yếu, thở chậm, khò khè, tím tái, nôn nhiều… thì cần đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
>> Xem thêm:
– Rượu phá hủy não, tim con người như thế nào
– Uống rượu bao nhiêu thì an toàn cho sức khỏe
Hà An