Home » Khỏe và đẹp » 8 cảnh sát Hưng Yên nguy cơ phơi nhiễm HIV khi chống tội phạm

8 cảnh sát Hưng Yên nguy cơ phơi nhiễm HIV khi chống tội phạm

Các cảnh sát hình sự Hưng Yên khám nơi ở một phụ nữ buôn bán ma túy và gặp sự chống cự của em trai cô ta nhiễm HIV giai đoạn cuối. Người này tự gây chảy máu sau đó cầm dao tấn công lực lượng làm nhiệm vụ. Trong quá trình khống chế kẻ đe dọa, 8 cán bộ bị thương, trầy xước da và dính máu. Đồng thời, cảnh sát còn băng bó vết thương, bảo toàn tính mạng cho người này nên tăng nguy cơ nhiễm HIV.

Cảnh sát hình sự bị thương được bác sĩ theo dõi sức khoẻ. Ảnh: Công an Hưng Yên

Cảnh sát hình sự bị thương được bác sĩ theo dõi sức khoẻ. Ảnh: Công an Hưng Yên

Phơi nhiễm với HIV được xác định là khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm. Theo tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), nguy cơ lây nhiễm HIV của các chiến sĩ trên phụ thuộc vào một số yếu tố. 

Thứ nhất là nơi tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể của người nhiễm HIV bắn vào. Nếu bắn vào các vùng da hay niêm mạc bị xây xát, tổn thương thì có nguy cơ. Vùng da niêm mạc tổn thương càng rộng thì nguy cơ cao hơn. Nếu máu và dịch cơ thể của người nhiễm HIV đó bắn vào vùng da lành thì không có nguy cơ.

Thứ hai là việc xử lý vết thương của chiến sĩ sau đó thế nào. Nếu tổn thương da chảy máu mà rửa ngay vết thương dưới vòi nước hay rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch thì nguy cơ giảm rất nhiều.

Thứ ba là tình trạng nhiễm HIV của người gây phơi nhiễm. Với trường hợp này, anh ta đã được xác định nhiễm HIV và đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) từ năm 2010. Theo báo cáo của cơ sở điều trị cho đối tượng này, lần xét nghiệm tải lượng virus gần đây nhất cuối năm 2017 thì tải lượng virus là 164 bản sao/ml máu, tức là rất thấp. Các nghiên cứu cho thấy, khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV và đạt tải lượng virus thấp thì nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác cũng thấp.

Thứ 4 là điều trị thuốc kháng virus sau phơi nhiễm. Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo điều trị sau phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV càng sớm càng tốt. Tối ưu trong vòng 6 giờ đầu và không quá 72 giờ sau phơi nhiễm.

Theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên cả 8 chiến sĩ công an đều được khám, xét nghiệm HIV, tư vấn và được cấp thuốc ARV miễn phí để điều trị trong vòng 20 giờ. Thời gian điều trị ARV như vậy là sớm.

Vì thế, tiến sĩ Cảnh đánh giá nguy cơ nhiễm HIV của 8 cán bộ công an tỉnh Hưng Yên là có, tuy nhiên không cao. 

Các chiến sĩ được theo dõi tác dụng phụ của ARV trong quá trình điều trị để đảm bảo việc điều trị ARV đủ liệu trình 28 ngày. Xét nghiệm lại HIV cho 8 chiến sĩ này sau 3 tháng kể từ khi phơi nhiễm. Trong thời gian này họ không được hiến máu, thực hành quan hệ tình dục an toàn cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV, tiêm văcxin viêm gan B nếu cần.

Theo ông, các cán bộ y tế cũng như chiến sĩ công an luôn đối mặt với phơi nhiễm HIV trong môi trường nghề nghiệp. Khi bị phơi nhiễm với HIV, cần xử lý như sau:

Xử lý vết thương tại chỗ:

Nếu tổn thương da chảy máu, cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Đồng thời, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương; rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt, rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9 %, súc miệng bằng dung dịch này nhiều lần.

Báo cáo người phụ trách và làm biên bản:

Nêu rõ ngày giờ, hoàn cảnh xảy ra, đánh giá vết thương, mức độ nguy cơ của phơi nhiễm; lấy chữ ký của người chứng kiến và chữ ký của người phụ trách.

Đến ngay cơ sở y tế:

Họ sẽ được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc, tư vấn và điều trị bằng thuốc ARV miễn phí nếu cần. 


Phương Trang