Trong hai tháng 7-8, Hà Nội trong tâm dịch sốt xuất huyết với tốc độ lan nhanh gấp 700 lần so với trước, cuộc sống hoàn toàn đảo lộn.
Chị Hương một mình nằm co quắp trên chiếc giường bệnh nằm ghép.
Mới mổ đẻ được 13 ngày, chị bị sốt cao đùng đùng. Chỉ với một xét nghiệm, chị dương tính với sốt xuất huyết. Con ở nhà bà nuôi, còn chị tay xách nách mang vào Bệnh viện Bạch Mai. “Đau đớn vì vết mổ chưa lành, ngực thì căng tức sữa, thế mà con muỗi vẫn không tha”, chị nói. Cứ mỗi lần ngắt cơn sốt, chị Hương lại tranh thủ vắt sữa ra để duy trì dòng sữa, ra viện còn có sữa cho con bú.
Bệnh nhân ấy nói, cuộc đời chị chưa bao giờ thấy khổ sở đến thế.
Ông Kình 75 tuổi nằm giường kế bên giường chị Hương. Ông là bệnh nhân cao tuổi nhất mắc sốt xuất huyết ở đây. Ngày 5/9, ông bỗng ngất lăn ra đất. Vợ con hoảng sợ gọi 115 đưa ông đến khoa Tim mạch. Sàng lọc mãi không ra bệnh, đến ngày thứ 2, nữ y tá thấy chân ông có vết đốm đỏ. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm sốt xuất huyết và kết quả dương tính. Hai ngày sau, ông được chuyển về khoa Truyền nhiễm để điều trị cho đúng bệnh. Trong những câu chuyện của mình, ông Kình vẫn nói đi nói lại “nhà tôi được phun thuốc hai lần rồi mà vẫn có muỗi”.
Con muỗi, trở thành hiện thân của một cơn ác mộng với người dân thủ đô.
Bây giờ, nhắc đến sốt xuất huyết, người Hà Nội ai cũng sợ. Ở trên là những người vẫn đang nằm viện, họ sợ đã đành. Còn những người đã khỏi, khi hỏi lại vẫn còn ám ảnh.
Tháng 7, dịch sốt xuất huyết bùng phát cả nước. Trong vòng hai tháng sau, Hà Nội trở thành tâm điểm của dịch với gần 25.000 người mắc bệnh. Đây cũng là nơi có tốc độ tăng số ca bệnh nhanh nhất cả nước. 12 quận, huyện ở mức báo động đỏ, ghi nhận hơn 2.000 ổ dịch, với bảy trường hợp tử vong.
Đặc biệt, các năm trước thành phố chỉ ghi nhận hai type virus D1, D2 gây sốt xuất huyết, năm nay xuất hiện thêm cả type D3, D4.
Đỉnh điểm có ngày khoảng 2.000 bệnh nhân Hà Nội nhập viện. Các bệnh viện tại thủ đô quá tái, bệnh nhân tăng gấp bốn lần năm ngoái. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám bắt đầu tăng cao từ cuối tháng 7, có ngày lên đến 1.000 người. Bệnh viện quá tải, y bác sĩ làm việc không có ngày nghỉ.
Gia đình chị Oanh lâm vào một kịch bản không hiếm thấy trong những ngày này: Cả nhà mắc sốt xuất huyết, không còn người khỏe để chăm người ốm, người này đỡ lại tới người kia nằm viện.
Đầu tiên là cậu con trai năm tuổi dương tính với sốt xuất huyết. Sau đó thì thằng anh tám tuổi nhiễm bệnh. Con vừa khỏi sốt xuất huyết được hai ngày thì đến lượt chồng, rồi tiếp tới chị Oanh.
Nhà chị Hải (Đống Đa) có bốn người thì cả chồng và hai con gái đều bị sốt xuất huyết. Chị chăm con nằm viện, còn hai bố con tự đưa nhau vào viện lấy máu. Cuộc sống yên ả bỗng xáo trộn, nhọc nhằn.
Giữa tháng 8, kết quả giám sát thấy mức độ muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết dày đặc tại Hà Nội. Tại nhiều khu vực ở thủ đô, mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cao gấp 3-3,5 lần so bình thường. Người Hà Nội lũ lượt đi khám. Thế nhưng, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết xin nhập bốn bệnh viện không nơi nào nhận.
Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, đây là lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua ông và các bác sĩ, y tá cảm thấy sợ sốt xuất huyết đến thế.
Suốt hai tháng qua, bệnh nhân ra vào viện la liệt, một cái giường nhỏ phải nằm ghép ba ghép bốn, các bác sĩ làm việc luôn chân tay, không có ngày nghỉ. Tháng 6 khoa tiếp nhận 48 trường hợp một ngày. Đến tháng 8, con số lên tới 800 ca.
Bệnh nhân sốt xuất huyết bình thường nhập viện điều trị vài ngày có thể về, nhưng không ít người nguy kịch. Hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết trên nền bệnh như tiểu đường, huyết áp, rối loạn đông máu… rất dễ biến chứng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, bắt buộc phải thở máy, hồi sức. Mới đây, một sinh viên Đại học Luật bị sốt xuất huyết di chứng viêm não phải thở máy, nằm hồi sức tích cực. Hay một bà bầu 39 tuần cũng mắc sốt xuất huyết, sau đó lại bị viêm phổi nặng. Bệnh nhân phải chuyển sang khoa Hồi sức nằm để bác sĩ theo dõi sức khỏe cả mẹ lẫn con.
Có những bệnh nhân, bác sĩ nhìn kẹp nhiệt độ lên tới 43 độ, trong khi số trên nhiệt kế chỉ tối đa đến 42 độ.
Hai tháng vừa qua, khoa tiếp nhận hơn 100 bà bầu mắc sốt xuất huyết. Người bệnh bình thường mắc sốt xuất huyết đã mệt mỏi, lo lắng, với bà bầu, nỗi lo đó lại tăng lên gấp bội. Những bà bầu bị hiếm muộn, làm thụ tinh nhân tạo thì đứng ngồi không yên. Những ca như thế, bác sĩ rất áp lực, ngoài việc điều trị, họ còn phải làm công tác tư tưởng giúp bệnh nhân an tâm chữa bệnh.
Từ khi dịch sốt xuất huyết bùng phát, bệnh viện phải huy động nhiều y bác sĩ túc trực nên tất cả nhân viên y tế đều được lệnh không được nghỉ buổi nào kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, thậm chí “không được ốm đau trừ khi bệnh nặng”.
Nhưng những y lệnh cũng không ngăn cản được căn bệnh tấn công chính các hộ vệ áo trắng.
Cả khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai có vài chục nhân lực, nhưng đến hơn 10 bác sĩ, y tá thay nhau mắc sốt xuất huyết.
Sáng sớm 1/8, đang họp giao ban, bác sĩ Cường nhận được tin nhắn từ bác sĩ Trang: “Em bị sốt xuất huyết, em xin phép không trực được”.
Các kíp trực đã được sắp xếp, bác sĩ Trang nghỉ đột xuất làm đảo lộn hết cả. Bác sĩ Trang không nhập viện mà tự điều trị bệnh tại nhà vì lúc ấy khoa đã quá tải. Con gái chị cũng bị sốt xuất huyết, chồng thì đi công tác nên hai mẹ con ở nhà tự chăm nhau. Ba ngày sau, cả khoa đã thấy bác sĩ Trang vật vờ đi làm.
“Bệnh nhân ốm được bác sĩ chăm mà khi bác sĩ ốm, đồng nghiệp lại chẳng đến được”, bác sĩ Cường nói.
Trong những câu chuyện của bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. Sốt xuất huyết thật sự đáng sợ. Nó càn quét sức khỏe của cả bệnh nhân và bác sĩ. Hai tháng nay, hôm nào chị cũng đi làm từ 6h sáng đến 8h tối.
“Không biết bão ở đâu nữa chứ bão ở ngay cái nhà này rồi. Hôm nào cũng 10h đêm mới được ăn cơm tối”, chồng chị Trà phàn nàn với vợ.
Đợt chống dịch sốt xuất huyết lần này, chị Trà bị sụt hai kg. Không chỉ có chị mà tất cả các cán bộ nhân viên trong khoa đều bị sụt cân, căng thẳng, mất ngủ. Điển hình như bác sĩ Tý, công tác tại Bệnh viện Đức Giang, đang học bác sĩ chuyên khoa II tại Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Tý tham gia trực tại Khoa truyền nhiễm trong đợt dịch này, sau một tháng đã giảm 13 kg.
Điều dưỡng trưởng khoa Khám bệnh Nguyễn Thúy Mai thâm niên 25 năm làm việc, đánh giá chưa bao giờ dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội lớn như lần này. Các đồng nghiệp cùng chị Mai đang làm việc hết sức từ 6h sáng đến 6h tối, các ca kíp thay nhau trực tăng cường 24/24 giờ. “Người bệnh đến viện đều sốt cao, có người ngất xỉu, chúng tôi phải nhanh chóng giải quyết tránh ùn tắc”, nữ điều dưỡng trưởng cho biết.
Đông bệnh nhân, áp lực công việc nhiều song áp lực tinh thần người bệnh gây ra khi phải lo lắng chờ đợi khám quá lâu khiến các y bác sĩ luôn trong tình trạng căng thẳng. Nhiều bệnh nhân cáu gắt, chửi mắng, có cả những lời mạt sát kiểu “Chị có đi học không?” hay “Người nhà chị nằm viện thì có phải nằm ghép không, sao bắt tôi nằm ghép?”…
Hà Nội đã có bảy bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết.
Cả tháng qua, bác sĩ Khiêm làm việc tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gần như trực hàng ngày và không có ngày nghỉ. Đến nay, dù dịch sốt xuất huyết đã đi ngang, song công việc vẫn bận rộn như bình thường. Năm nào cũng vậy, cứ mùa sốt xuất huyết đi qua, bác sĩ Khiêm lại thấy nao lòng. Đặc biệt là năm nay, khi Hà Nội trong tâm dịch sốt xuất huyết và bác sĩ chứng kiến bệnh nhân tử vong mà không thể làm gì hơn.
Người thứ sáu ở Hà Nội ra đi vì sốt xuất huyết đặc biệt khiến bác sĩ Khiêm “bất lực, giận bản thân”. Đó là người phụ nữ 36 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc, suy đa tạng, rối loạn đông máu do sốt xuất huyết, tình trạng rất nặng. Chị còn quá trẻ lại góa chồng, chỉ có cậu con trai mới học lớp 10 túc trực chăm sóc mẹ. Các bác sĩ cố tìm mọi cách cứu bệnh nhân, áp dụng mọi biện pháp hồi sức tích cực, chạy thận, lọc máu liên tục, mục đích điều trị duy trì giúp bệnh nhân qua giai đoạn cấp của bệnh sau đó có thể hồi phục.
“Chi phí điều trị lớn, tỷ lệ thành công thấp, gia đình xin dừng điều trị nhưng nếu buông xuôi thì rất đơn giản. Chúng tôi nghĩ bệnh nhân vẫn có cơ hội dù thấp nên cố gắng làm mọi cách để níu kéo chữa cho bệnh nhân”, bác sĩ Khiêm nhớ lại. Có thời điểm sức khỏe của bệnh nhân triển triển rõ rệt, đội ngũ y bác sĩ mừng rỡ. Nhưng rồi sức khỏe diễn biến xấu trở lại, 18 ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân qua đời. Lúc đưa người xấu số đi, bác sĩ Khiêm cứ nặng lòng ưu tư mãi.
Không chỉ khoa hồi sức tích cực mà tất cả khoa phòng khác ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đều tham gia khám chữa bệnh nhân sốt xuất huyết.
Nhiều cuộc tranh cãi xảy ra khi Hà Nội tập trung chống dịch nhưng vẫn không hiệu quả. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá Hà Nội phòng chống dịch quyết liệt song chưa triệt để, chưa hiệu quả. Đặc biệt, lý do khiến sốt xuất huyết chưa hạ nhiệt là do người dân vẫn thờ ơ với dịch. Nhiều trường hợp cán bộ y tế đi phun thuốc diệt muỗi nhưng bị dân từ chối hay cố tình không cho phun.
Đến nay, Hà Nội đã chi khoảng 23 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch nhưng vẫn “vỡ trận”. Bộ Y tế đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200. Ngoài ra, hơn 20 tỉnh thành đã chi viện cho Hà Nội hàng chục máy công suất lớn để phun diệt muỗi.
Những ngày qua, sốt xuất huyết vẫn chưa hạ nhiệt. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế dự báo số bệnh nhân sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao bởi miền Bắc chính thức bước vào thời kỳ cao điểm mùa dịch, từ tháng 9 đến tháng 11.
Nhiều khả năng, năm 2017 trở thành năm có nhiều ca sốt xuất huyết nhất trong thập kỷ.
Bài: Lê Nga
Ảnh: Giang Huy