Home » Khỏe và đẹp » Ai cần kiểm tra đường huyết định kỳ?

Ai cần kiểm tra đường huyết định kỳ?

Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, xét nghiệm kiểm tra đường huyết là cần thiết cho mọi người để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là những ai có dấu hiệu bất thường và nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường. Khuyến cáo chung, nhóm nên thực hiện kiểm tra đường huyết định kỳ bao gồm người tuổi từ 45 trở lên, gia đình có người thân mắc bệnh tiểu đường, người thiếu ngủ (ngủ ít hơn 5,5 giờ mỗi ngày) và phụ nữ mang thai.

ai-can-kiem-tra-duong-huyet-dinh-ky

Ảnh minh họa: News.

Kiểm tra đường huyết định kỳ rất quan trọng trong việc theo dõi, điều trị và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm. Tăng đường huyết mạn tính có thể gây những tổn thương ở các cơ quan trọng yếu như thận, mắt, tim, mạch máu, dây thần kinh. Hạ đường huyết mạn tính có thể dẫn đến tổn thương não và dây thần kinh. Đặc biệt, tình trạng tăng hay hạ đường huyết nặng và cấp tính có thể gây suy các cơ quan, tổn thương não, hôn mê, trường hợp trầm trọng có thể tử vong ngay. 

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người bệnh tiểu đường nên thử đường huyết vào 4 thời điểm trong ngày gồm sáng ngủ dậy, sau khi ăn sáng, ăn trưa và tối trước khi ngủ. Theo cơ chế bình thường, mức đường huyết sẽ tăng nhẹ sau bữa ăn, cơ thể tiết ra insulin để hạ đường xuống. Trường hợp đường trong máu hạ xuống quá thấp như khi bụng đói hoặc làm việc nặng, cơ thể sẽ tiết ra glucagon để thông báo cho gan chuyển đổi một số glycogen trở thành glucose, nhờ đó đường huyết sẽ tăng lên. Do vậy đo đường huyết vào thời điểm nào trong ngày cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả chính xác. 

Bệnh nhân vừa khởi đầu điều trị tiểu đường thì cần thử đường huyết nhiều lần trong ngày cho đến khi các chỉ số ổn định trở lại. Người có đường huyết ổn định lâu dài, chỉ cần kiểm tra mỗi tuần ở thời điểm trước và sau ăn 2 giờ, tối trước khi đi ngủ.

Có thể kiểm tra đường huyết tại bệnh viện hoặc ở nhà. Khi thực hiện ở nhà, để đảm bảo kết quả chính xác cần mua loại máy thử đường huyết cá nhân ở cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, bảo quản que thử và thực hiện kỹ thuật lấy máu ở đầu ngón tay đúng như hướng dẫn. Người bệnh cũng nên có sổ theo dõi đường huyết để khi đi khám bác sĩ căn cứ vào đó mà đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.

Tiểu đường là bệnh mãn tính, song bệnh nhân có thái độ sống tích cực và tập thể dục đều đặn mỗi ngày kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng ít chất béo, ít calo có thể “chung sống một cách hòa bình” với bệnh. Kiểm tra đường huyết thường xuyên cũng là cách giúp phát hiện sớm nhất bệnh tiểu đường, từ đó điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

Thi Trân