Ngày 5/7, Bộ Y tế triển khai thông tư 15 quy định giá khám chữa bệnh mới áp dụng giữa các bệnh viện cùng hạng.
Giá dịch vụ y tế mới được áp dụng từ ngày 15/7. Có 70 dịch vụ được điều chỉnh giảm giá, trong đó giá khám bệnh bình quân giảm 17%. 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm bình quân giảm 24%. Ngoài ra 9 dịch vụ tăng giá khoảng 5% và bổ sung thêm giá của 9 dịch vụ kỹ thuật mới. |
Để triển khai viện phí mới, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải tăng số bàn khám, thực hiện nghiêm chuyên môn và chỉ định điều trị nội trú. Bộ cũng đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thanh toán bảo hiểm y tế kịp thời, tránh tình trạng dồn ứ.
Ông Lê Văn Phúc, Phó ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. |
Trong khi đó, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ông Lê Văn Phúc, Phó Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế cho rằng chất lượng khám chữa bệnh là vấn đề cần quan tâm. Thông tư mới quy định mỗi bàn khám đến 65 lượt bệnh nhân trong một ngày, bảo hiểm vẫn thanh toán 100%, trong khi trước đây chỉ 35 lượt. Một bàn bác sĩ phải khám quá nhiều 70-80 lượt, thậm chí 100 bệnh nhân một ngày thì chất lượng khám chữa bệnh sẽ hạn chế. Vì thế, trong vòng một quý, bệnh viện phải tổ chức bàn khám thêm để đáp ứng yêu cầu của người bệnh.
Bảo hiểm Xã hội đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh công khai minh bạch mức chênh lệch giữa giá được bảo hiểm y tế chi trả với giá của dịch vụ xã hội hóa, khám chữa bệnh theo yêu cầu. Thực tế, thời gian qua, khi các bệnh viện tăng cường tự chủ, xã hội hóa thì người bệnh đóng chênh lệch chi phí khá nhiều. Tuy nhiên người bệnh không biết đang tự phải trả tiền dịch vụ gì, Bảo hiểm y tế đã chi trả phần nào.
Bảo hiểm cũng yêu cầu Bộ Y tế xử lý những trường hợp thu thêm của người bệnh. Theo ông Phúc tình trạng thu thêm này tại các bệnh viện phía Bắc khá nhiều. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra như hiện nay thì số chi tiêu từ tiền túi của người dân sẽ tăng lên chứ không giảm.
“Bản thân tôi đưa người nhà đi khám bệnh cũng phải nộp thêm khá nhiều chi phí, trong đó có nhiều khoản tôi biết bảo hiểm y tế đã chi trả”, ông Phúc nói. Ông cũng cho biết nhiều người dân gửi thư hỏi tại sao họ không phải đồng chi trả mà vẫn phải chi trả thêm. “Điều này có hai lý do, có thể do bệnh viện không giải thích với người bệnh hoặc nói thẳng là do lạm thu, khoản này lẽ ra họ không phải đóng”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cơ quan Bảo hiểm Xã hội cũng đề xuất giá giường bệnh thấp hơn khá nhiều so với giá được Bộ Y tế phê duyệt. Ông Phúc nêu thực tế, quy chuẩn thiết kế mỗi giường bệnh để được thanh toán cần có diện tích 5m2, tuy nhiên một số cơ sở y tế kê tăng thêm rất nhiều, san sát vào nhau hầu như không còn lối đi.
“Tôi biết có bệnh nhân muốn lên giường của mình phải trèo qua giường của bệnh nhân khác”, ông Phúc nói.
Ông đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng với Bộ Y tế thành lập đoàn kiểm tra giám sát việc thực hiện thông tư viện phí mới, đặc biệt là việc kê thêm giường, chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú. Thực tế có bệnh viện cứ 100 người đến khám thì 10 người được chỉ định vào viện, có nơi đến 20-30 người nằm viện.