Con trai tròn 17 tuổi, cũng là số năm người mẹ này sống chung với khối sa trực tràng – âm đạo, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh nhân cho biết sinh con lần hai vào năm 2001, nhà neo người nên bà không kiêng cữ sau sinh, vẫn nấu ăn, giặt quần áo và làm việc nhà bình thường. Sau một thời gian, bà xuất hiện khối sa xuống vùng hậu môn và âm đạo, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt nên không đi khám. Một năm gần đây, khối sa ngày càng lớn, bệnh nhân không tự chủ khi đại tiện lại đau nhiều và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Lúc này, bà mới đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khám.
Sức khỏe bệnh nhân ổn định sau khi được phẫu thuật tầng sinh môn. Ảnh: L.Q |
Kết quả thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị đứt hoàn toàn cơ thắt ngoài hậu môn, sa toàn bộ thành sau âm đạo và trực tràng ra ngoài. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tạo hình tầng sinh môn. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định và đang được điều trị tại khoa Ngoại của bệnh viện.
Sa trực tràng – âm đạo là bệnh lành tính, không có biến chứng nặng nề và không có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên bệnh nhân gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt và ảnh hưởng khả năng lao động.
Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây ra sa trực tràng – âm đạo ở phụ nữ như chửa đẻ nhiều lần, đẻ dày, không được đỡ đẻ an toàn đúng kỹ thuật, rách tầng sinh môn không khâu. Ngoài ra, lao động nặng hoặc quá sớm sau đẻ làm tăng áp lực ổ bụng, đè vào đáy chậu còn mềm yếu như mang vác, gánh gồng nặng. Táo bón thường xuyên, ho kéo dài… cũng dễ gây nên sa sinh dục.
Bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ khi có những biểu hiện của sa trực tràng – âm đạo nên đến bệnh viện khám và điều trị.