Gần chục năm trôi qua kể từ khi mang thai cậu con trai duy nhất, chị Trương Ngọc Minh Đăng vẫn còn ám ảnh về tai nạn mà theo chị đó chính là nguyên nhân gây tổn thương não thai, khiến con mắc chứng khó tiếp xúc. “Tôi mang thai ở tuần thứ 33 thì bị trượt chân ngã đập bụng xuống đất. Đến bệnh viện cấp cứu, bác sĩ bảo thai đã ngưng tim, phải mổ khẩn nếu không sẽ rất nguy hiểm. Tôi cương quyết xin giữ thai bằng mọi giá”, bà mẹ sinh năm 1981 hồi tưởng.
Bố của chị Đăng là bác sĩ Đông y, khi ấy đã sưu tầm và bào chế rất nhiều bài thuốc an thai từ thảo dược cho con gái dùng. Vài tuần sau, gần ngày dự sinh, bác sĩ sản khoa khám và thông báo “em bé phát triển hoàn toàn bình thường”, chị Đăng và gia đình mừng rơi nước mắt. Sau đó người mẹ đã hạ sinh an toàn một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh, nặng hơn 3 kg.
Chị Trương Ngọc Minh Đăng và bé Tôm. Ảnh: MĐ. |
Bé Tôm ban đầu lớn lên hoàn toàn bình thường như đứa trẻ khác. Đến khi bé được 8 tháng tuổi, mẹ mới phát hiện con bị dị ứng với tất cả loại sữa, chỉ có thể tiếp nhận sữa mẹ. Từ đó người phụ nữ chỉ cho con bú sữa mẹ. Với sự nhạy cảm của một người mẹ, chị Đăng luôn ngờ ngợ con trai “có điều gì đó không ổn”, càng lớn bé càng nhút nhát, hễ thấy người lạ là khóc thét. Trong khi bé đồng trang lứa đã nói sõi thì Tôm mới chỉ bập bẹ được vài từ gọi “ma ma”, “bà bà”.
Chị Đăng đưa con đến gặp chuyên gia Nhi khoa Mỹ sang TP HCM khám bệnh miễn phí. Sau khi kiểm tra và làm một số bài trắc nghiệm chuyên môn, bác sĩ chẩn đoán bé Tôm bị chứng khó tiếp xúc, rất khó điều trị. “Tôi sốc lắm, chỉ biết ôm con mà khóc”, bà mẹ 36 tuổi trải lòng.
Không đành lòng nhìn con ngày càng xa lánh thế giới bên ngoài, chị Đăng hạ quyết tâm tự tìm cách “chữa bệnh” cho con. Chị tìm hiểu nhiều tài liệu và gặp gỡ những người có kinh nghiệm để học hỏi cách giúp một đứa trẻ hòa nhập xã hội. Một số bạn bè khuyên chị cho con đi du lịch và tiếp xúc đa văn hóa để giúp bé phát triển kỹ năng giao tiếp.
Từ đó đến nay chị Đăng đưa bé Tôm đi chơi khắp các tỉnh thành và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Hạnh phúc lớn nhất của người mẹ là cậu con trai đã dạn dĩ hơn, không còn khóc thét khi thấy người lạ mà ngược lại bé Tôm còn chủ động làm quen và chơi đùa với bạn mới trong các chuyến đi.
Khoảnh khắc vui cười của hai mẹ con
Chị Minh Đăng còn nhớ chuyến đi đầu tiên đưa Tôm đến Malaysia khi bé tròn một tuổi. Đây cũng là dịp Giáng sinh, bé Tôm vô cùng thích thú chạy nhảy và tham gia các trò chơi công cộng. Khi bắt gặp Miss Teen Malaysia trên phố, cậu bé còn chủ động chạy đến làm quen dù rằng chưa nói chuyện được. “Tôi hạnh phúc không kìm được nước mắt khi thấy con mạnh dạn hơn mỗi ngày. Đây là cột mốc đầu tiên trong quá trình hòa nhập với cộng đồng”, người phụ nữ kể.
Sau đó qua những chuyến đi Philippines, Thái Lan, Campuchia, chị Minh Đăng đều cố gắng tập cho con biết sống tự lập, tự ăn một mình và khám phá thế giới xung quanh. Cậu bé đi dạo công viên một mình trong sự quản lý từ xa của mẹ. Tôm tham gia những trò chơi hoặc khóa học để tìm hiểu về cây cỏ, chim thú và những người bạn mới.
Thành quả sau mỗi chuyến đi như thế là niềm vui của bé Tôm cũng như những kiến thức, kỹ năng xã hội mà bé có được, từ việc tự dùng muỗng đến đọc tên các con vật, nhớ tên bạn mới. Khi vợ chồng ly hôn, chị Đăng trở thành bà mẹ đơn thân vẫn tiếp tục hành trình giúp con tìm lại niềm vui cuộc sống.
Mẹ con bé Tôm trong MV “Cùng con đi khắp thế gian”
Đến nay nhìn lại chặng đường gian khó vừa qua, chị Đăng thú thật nuôi một đứa con bình thường đã rất khó khăn, huống hồ chăm một đứa trẻ mắc chứng khó tiếp xúc lại càng khó gấp bội. Hiểu được điều đó nên người mẹ không bao giờ đòi hỏi nhiều ở con mà luôn cố gắng chấp nhận cách nhìn về thế giới qua lăng kính của con. Khi bé Tôm tới tuổi đi học, chị Đăng xin cho con học ở một ngôi trường dành cho trẻ bình thường thay vì trường giáo dục đặc biệt. “Bởi tất cả những gì tôi muốn là con phát triển và hòa nhập với cộng đồng như bao đứa trẻ khác”, người mẹ chia sẻ.
Bà mẹ 8x cho biết mong muốn hiện nay của chị là đưa bé Tôm đi đến tất cả quốc gia trên thế giới để khám phá thêm nhiều điều thú vị, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Không những thế, chị còn khởi xướng dự án “Cùng con đi khắp thế gian” để giúp các bà mẹ đơn thân có con bị trầm cảm, cận tự kỷ và tự kỷ hòa nhập với xã hội bằng những chuyến du lịch.
Tham dự chương trình còn có các chuyên gia tâm lý, giáo dục, dinh dưỡng và kỹ năng sống hướng dẫn phụ huynh biết cách phát hiện và định hướng phát triển cho con mình. Ngoài ra, các bà mẹ đơn thân còn được hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kỹ năng để nâng cao chất lượng cuộc sống.