Phát biểu tại hội thảo tham vấn chính sách quốc gia về tảo hôn diễn ra tại Hà Nội ngày 25/10, bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh nguy cơ tử vong của bà mẹ và trẻ em của việc kết hôn chưa đủ tuổi. Pháp luật quy định tuổi kết của nam là đủ 20 tuổi và nữ là đủ 18 tuổi; việc kết hôn khi chưa đủ tuổi gọi là tảo hôn.
3 cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở gần đây cho thấy tuổi kết hôn lần đầu của nam có xu hướng tăng, trong khi của nữ không hề thay đổi. Theo đó, mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện về mặt giải phẫu, sinh lý và tâm lý để có thể mang thai làm tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ.
Tình trạng tảo hôn xảy ra ở gần hết các tỉnh thành. Ảnh minh họa: VE. |
Báo cáo của Bộ Y tế vào tháng 12/2015 tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy tỷ lệ tử vong mẹ ở lứa tuổi 15-19 cao gấp 2 lần với người mẹ ở lứa tuổi 20-24. Tương tự, tỷ lệ tử vong sơ sinh là con của các bà mẹ 15-19 tuổi cao gần gấp 2 lần so với bà mẹ tuổi 20-24. Trẻ có nguy cơ sinh ra bị nhẹ cân, sinh non, nguy cơ nhiễm HIV/AIDS… Những “bà mẹ trẻ con” này cũng có xu hướng sinh nhiều con hơn.
Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho rằng “tỷ lệ tảo hôn ở Việt Nam chưa thấy dấu hiệu giảm”. Trong giai đoạn 2009-2015, số lượng tỉnh có tỷ lệ tảo hôn nữ tăng nhiều. Tình trạng này cũng xảy ra ở gần hết các tỉnh thành với các mức độ khác nhau, không chỉ người dân tộc thiểu số mới tảo hôn mà cả người kinh.
Kết quả từ Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam cũng cho thấy tỷ lệ nữ giới trong độ tuổi 15-19 đã kết hôn khoảng 10% vào năm 2014. Tỷ lệ tảo hôn cũng cao ở khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Theo hệ thống dữ liệu hành chính của Việt Nam, ở một số xã, tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Có 40 trong 53 dân tộc thiểu số tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, có nơi cao tới 50-60%.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, trên thế giới mỗi ngày gần 48.000 trẻ em gái, trong đó nhiều em mới có 10 tuổi, bị ép buộc hôn nhân. Mỗi ngày hơn 20.000 nữ giới dưới 18 tuổi sinh con. Các cô dâu trẻ em sẽ rất dễ bị bạo lực thể xác và tình dục, cũng như sinh con quá sớm.
“Vấn đề tảo hôn sẽ không được giải quyết nếu chúng ta không trao quyền cho thanh niên, đặc biệt là các trẻ em gái. Chúng ta cần trao cho các em cơ hội để được đi học, được cung cấp kiến thức về kỹ năng sống, sức khỏe tình dục và sinh sản; có không gian sống an toàn… Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy, thái độ của cha mẹ và cộng đồng, tìm ra những giải pháp dựa vào cộng đồng để ngăn chặn nạn tảo hôn”, bà Astrid nói.
Mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam ngăn chặn, đầy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
Phương Trang