Home » Khỏe và đẹp » Ba phương pháp biến mũi tẹt thành mũi dọc dừa

Ba phương pháp biến mũi tẹt thành mũi dọc dừa

Ông Phạm Đình Trung, chuyên viên tư vấn thẩm mỹ một bệnh viện ở Hàn Quốc, cho biết có ba phương pháp nâng mũi phổ biến hiện nay. Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng, không có công thức chung nào phù hợp cho tất cả mọi người.

Nâng sống mũi cổ điển

Ca sĩ Xuân Nghi nâng mũi cổ điển. Ảnh: TT.

Ca sĩ Xuân Nghi nâng sống mũi theo phương pháp cổ điển. Ảnh: T.T.

Phương pháp này xuất hiện trên thế giới từ khoảng 30 năm trước. Bác sĩ dùng một thanh độn để nâng cao sống mũi. Thanh độn thường được làm từ sụn nhân tạo, chất liệu silicon. Chỉ cần nhét thanh độn này dọc theo sống mũi, một chiếc mũi tẹt sẽ biến thành dọc dừa ngay.

Phẫu thuật rút thanh độn silicon cũng khá đơn giản, nên phương pháp này được nhiều thí sinh thi hoa hậu lựa chọn. Đến ngày thí sinh kiểm tra nhân trắc học thì tạm rút thanh độn ra, khi đi thi lại gắn vào mũi mà không để lại dấu vết gì đáng kể.

Nhược điểm của phương pháp nâng mũi cổ điển là “ép buộc cơ thể phải tiếp nhận một dị vật mới”. Nếu bác sĩ phẫu thuật không khéo, thanh độn có thể chèn ép mạch máu, sụn… khiến mũi bóng đỏ, lệch sống, thậm chí lòi sụn.

Nâng mũi bọc sụn

Nữ hoàng trang sức 2011 Thanh Trúc nâng mũi bọc sụn.

Nữ hoàng trang sức 2011 Thanh Trúc nâng mũi bọc sụn.

Đây là phương pháp nâng mũi bằng sụn nhân tạo, sụn tự thân hoặc sụn hiến tặng. Sụn tự thân thông thường có hai loại: sụn tai hoặc sườn. Bác sĩ trích xuất một phần sụn của cơ thể bạn để làm vật liệu thẩm mỹ nhằm ngăn ngừa nguy cơ bị cơ thể đào thải.

Hiện nay, bọc sụn được xem là giải pháp tốt nhất thay thế chất liệu silicon hay megaderm trong các ca nâng mũi. Người nâng mũi bằng phương pháp này phải chịu mất đi một mảnh sụn nhỏ ở tai hoặc sườn.

Sụn sườn cứng hơn sụn tai, nên lựa chọn sụn sườn để nâng mũi là tốt nhất. Nhiều trường hợp mũi sau khi sửa đã bị co rút do dùng sụn tai, còn sụn sườn thì không co rút. Sử dụng sụn tự thân còn giúp những chiếc mũi hếch trở nên kín đáo hơn. Tuy nhiên vì sụn và mô cần được nuôi dưỡng, nếu quá trình bóc tách và ghép vào mũi không khéo sẽ dẫn đến hoại tử, teo chết dần. Hậu quả còn tệ hơn dùng silicon nhân tạo.

Xếp độ tương thích thì sụn tự thân là tốt nhất, đến sụn hiến tặng, sau cùng là sụn nhân tạo. Một số trường hợp lượng sụn tự thân quá ít hoặc đã bị trích xuất nhiều lần hay không muốn bị vết sẹo trên cơ thể, thì nên dùng sụn hiến tặng. Giá thành sụn hiến tặng khá cao nên các bác sĩ thường phối hợp dùng sụn tai, sụn nhân tạo, sụn sườn và thêm ít da đầu để làm nên một chiếc mũi cao mà chi phí không quá đắt.

Nâng mũi cấu trúc

Nâng mũi cấu trúc là thay đổi hoàn toàn hình dạng sống mũi, đầu mũi, cánh mũi.

Nâng mũi cấu trúc là thay đổi hoàn toàn hình dạng sống mũi, đầu mũi, cánh mũi.

Cái tên nói lên tất cả, với phương pháp này bác sĩ sẽ “tái cấu trúc” chiếc mũi của bạn, chỗ nào dư thì bỏ, thiếu sẽ đắp thêm… Để thu hút khách hàng, người ta đặt cho phương pháp nâng mũi cấu trúc những cái tên rất “kêu” như nâng mũi S-line, L-line, A-shape… Tất cả đều có chung đặc điểm là bác sĩ can thiệp vào ba phần chính bao gồm sống mũi, đầu mũi và cánh mũi.

Vật liệu dùng trong phẫu thuật nâng mũi cấu trúc được tổng hợp từ sụn tai, sụn sườn, da dầu, thêm một ít silicon hay megaderm. Hầu hết người mẫu, ca sĩ, người nổi tiếng hiện nay đều dùng phương pháp này vì đem lại một chiếc mũi thanh tú hoàn hảo theo gu Hàn Quốc.

Trần Ngoan