Chị Đậu Thanh Nga 39 tuổi ở quận 12, TP HCM, bị nhiễm chất độc da cam nên thuở nhỏ ốm yếu, thường xuyên mắc bệnh. Không thể làm được việc nặng, chị kiếm sống bằng nghề cắt may quần áo tại nhà. Cách đây hơn 10 năm, những cơn run bàn tay bắt đầu xuất hiện khiến người phụ nữ không thể cầm thước đo hay dùng kéo cắt vải, mọi sinh hoạt đều bị ảnh hưởng. Bác sĩ chẩn đoán chị mắc Parkinson, còn gọi là bệnh liệt run.
Bệnh ngày càng nặng khiến chị Nga bị cứng một bên vai, khó cử động xoay tròn cổ tay. Triệu chứng “đông cứng” lan xuống khớp bàn chân khi bệnh nhân bước đi. Tình trạng khó nuốt và các biến chứng do thuốc khiến chị Nga không thể tự sinh hoạt cá nhân, phải nhờ vào sự trợ giúp của người thân.
Cuộc sống của chị Nga đảo lộn hoàn toàn từ khi mắc bệnh Parkinson. Ảnh: TT. |
Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho thấy bệnh nhân bị Parkinson giai đoạn nặng. Phác đồ điều trị là phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu để phục hồi tầm vận động. Trường hợp này nếu không can thiệp sớm, có nguy cơ tàn phế suốt đời.
Ca phẫu thuật đầu tiên cách đây hơn hai năm giúp chị Nga dần phục hồi vận động, giảm 70% triệu chứng các cơn run tay, khó nuốt, cứng khớp. Người phụ nữ đã có thể tự làm vệ sinh cá nhân, đi lại bình thường và phục hồi khả năng lao động. Tuy nhiên, thiết bị kích thích não sâu chạy bằng pin nên bệnh nhân phải thay pin định kỳ sau khoảng 3 đến 4 năm kể từ cuộc phẫu thuật đầu tiên.
Hoàn cảnh gia đình chị Nga khó khăn, được bạn bè và người thân hỗ trợ nhưng vẫn phải vay thêm tiền để chi trả phí phẫu thuật. Đến nay, gia đình chưa trả hết tiền vay cho cuộc mổ đầu tiên thì thời điểm phẫu thuật lần hai đã gần kề. Nghĩ về tương lai, chị Nga chia sẻ: “Ước mong lớn nhất của tôi là sức khỏe được ổn định để tiếp tục lao động nuôi gia đình và trả hết số nợ còn lại”.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Tài, Phó Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị Rối loạn vận động, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Parkinson là bệnh rối loạn vận động mạn tính phức tạp. Hiện chưa có phương pháp điều trị triệt để nên người bệnh phải sống chung với bệnh suốt đời. Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu nhằm giảm triệu chứng và phục hồi chức năng vận động cho người bệnh.