Home » Khỏe và đẹp » Bác sĩ day dứt vì không thể giúp cặp vợ chồng khuyết tật có con

Bác sĩ day dứt vì không thể giúp cặp vợ chồng khuyết tật có con

Bác sĩ Nam khoa Trà Anh Duy, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Bình Dân, TP HCM, chia sẻ với VnExpress.net câu chuyện cảm động về một cặp vợ chồng khuyết tật mong muốn có con đã đi khắp nơi để chữa trị hiếm muộn nhưng không thành công. Đối diện với trường hợp này, bác sĩ Duy nghĩ mình có thể giúp họ nhưng lại băn khoăn nếu đứa trẻ sinh ra bị dị tật như bố mẹ thì sao? Cuộc sống của gia đình này vốn đã khó khăn rồi sẽ ra sao nếu thêm một miệng ăn?

bac-si-day-dut-vi-chua-giup-cap-vo-chong-khuyet-tat-co-con

Bác sĩ Trà Anh Duy đang tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: T.T.

Người đàn ông bước vào phòng khám Nam khoa và gật đầu chào bác sĩ.

Bác sĩ: Chào em, em bị làm sao?

Người đàn ông nhìn bác sĩ, không một lời đáp.

Bác sĩ: Em bệnh thế nào, kể bác sĩ nghe!

Bệnh nhân chỉ ú ớ, lắc tay ra hiệu mình không nói được. Rồi anh chợt đứng dậy mở cửa giơ tay ngoắc ra hiệu cho một người phụ nữ vào.

Bác sĩ: Cô là thế nào với cậu ấy?

Người phụ nữ: Dạ em là vợ anh ấy. Chồng em bị câm, không nói được.

Bác sĩ: Vậy chồng em bị sao?

Người phụ nữ: Dạ bọn em tái khám, ba năm rồi không có con.

Bác sĩ: Vậy đưa kết quả khám của mấy lần trước cho bác sĩ xem thế nào.

Người vợ lúi húi ra dấu cho chồng đưa xấp giấy xét nghiệm và kết quả tinh dịch đồ cũ cho bác sĩ. Chị ngồi xích lại gần chồng, dùng bàn tay phải dị tật chỉ có hai ngón, vất vả kẹp xấp giấy tựa trên tay trái không có bàn tay chỉ có mỗi cẳng tay, lật từng trang.

Trông cảnh tượng này,tôi xúc động không nói nên lời. Rồi chợt giật mình, tôi đưa tay đỡ lấy xấp giấy kết quả xét nghiệm từ đôi tay tật nguyền của người phụ nữ ấy và mở từng trang để đọcXem xong, tôi hỏi: “Như thế này liệu khi sinh con ra, hai vợ chồng có chăm sóc nổi không?”.

Cô vợ nhìn chồng và kể: “Chồng em bị câm, ở Thái Bình xuống Đồng Tháp làm phụ hồ. Em thì bị tật nên đi làm mướn. Cũng ráng để có một đứa con nhưng ba năm rồi vẫn chưa có. Đi Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ nói em bình thường. Anh ấy được bác sĩ kê toa thuốc mà không nói gì, uống mấy đợt thuốc rồi mà chưa thấy tin vui”.

Tôi chỉ định cho người chồng đi thử tinh dịch đồ để kiểm tra lại xem thế nào. Khi họ quay lại, kết quả thấy tinh trùng bị yếu nhiều. Xem lại toa cũ thì thấy bác sĩ cho thuốc tương đối nhẹ chưa đúng phác đồ.

Nhưng thực sự, đến khi kê toa thuốc, tôi lại rơi vào tình trạng có lẽ cũng giống như vị bác sĩ trước: Phân vân và phân vân. Trong đầu tôi đầy những ý nghĩa trái ngược nhau. Hai vợ chồng sinh con ra, nhỡ đứa bé bị dị tật thì sao? Liệu cuộc sống của họ có rơi vào bế tắc? Nhưng nếu sinh con ra bình thường thì thế nào? Liệu với tình trạng sức khỏe và những đồng lương ít ỏi từ việc đi làm mướn và phụ hồ, họ có nuôi nổi con hay là tội cho đứa nhỏ hơn? Với hai mảnh đời côi cút ấy, nếu sống không có con thì họ có thể vui vẻ được chăng?.

Hàng loạt câu hỏi thật khó giải đáp và đều là áp lực đối với một người thầy thuốc. Tôi tự hỏi mình phải làm sao và làm thế nào? Cho thuốc chuẩn thì họ tốn tiền. Hay là kê thuốc nhẹ để đỡ được đồng nào hay đồng ấy cho bệnh nhân? Cho thuốc kiểu “câu giờ”, để vợ chồng họ nguôi bớt ý định muốn làm cha mẹ hay nói thẳng khuyên họ không nên có con trong điều kiện như vậy? 

Câu chuyện ở đây vốn dĩ là tình người. 

Cặp vợ chồng dắt nhau bước ra khỏi phòng khám khiến cho tôi phải thẫn thờ và cay sống mũi, bỗng muốn làm gì đó để giúp họ. Nhưng rồi, những lượt bệnh nhân đang chờ tiếp theo khiến tôi không kịp suy nghĩ mình sẽ làm gì cho hai mảnh đời kém may mắn ấy.

Cả ngày hôm đó trong đầu tôi cứ quay quắt những câu hỏi của kiếp nhân sinh: Vậy thì hạnh phúc là gì? Con đường đi tìm bến bờ hạnh phúc là thế nào? Điều cuối cùng trên con đường tìm đến hạnh phúc là gì?

Tôi tự hỏi rồi tự trả lời cho mình: Hạnh phúc không cần phải ăn sang mặc đẹp hay được đưa đón, chiều chuộng. Nó đôi khi chỉ là niềm vui nho nhỏ đơn sơ khi có người bên cạnh mình chia ngọt sẻ bùi. Hai mảnh đời côi cút, vất vả, tật nguyền ấy đã tìm đến với nhau, cùng vượt qua những khó khăn, chăm sóc nhau từng chút một. Đó là hạnh phúc của một tổ ấm bé nhỏ. Tổ ấm ấy cũng có nhu cầu được hạnh phúc thêm nữa. Đó chính là có thêm một thành viên bé bỏng trong gia đình.

Tôi nghiệm ra: Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn nào, điều kiện bất tiện nào, thì con người ta cũng có nhu cầu và có quyền được mưu cầu hạnh phúc. Tôi chỉ mong gặp lại cặp vợ chồng tật nguyền ấy để tìm cách hỗ trợ và giúp đỡ họ nhiều hơn trên con đường đi tìm hạnh phúc.

Bác sĩ Trà Anh Duy