Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ tâm lý chung của người bệnh khi nhận được thông báo mình bị ung thư đều rất hoang mang, lo sợ. Nhưng bệnh viện hiện nay thường rất đông, bác sĩ điều trị ít, áp lực công việc nên không có nhiều thời gian chia sẻ cùng bệnh nhân.
Trong khi đó, quá trình điều trị kéo dài mang lại tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần. Nếu không vững tin nhiều người sẽ bỏ cuộc giữa chừng. “Họ cần một chuyên gia tâm lý nhưng hầu hết các bệnh viện vẫn chưa thể đáp ứng, từ đó, ý tưởng câu lạc bộ ung thư bệnh viện nhen nhóm trong tôi”, bác sĩ Vũ cho biết.
Ra đời từ năm 2011 với 11 thành viên ban đầu, sau 6 năm, đến nay “mái nhà” tinh thần của các bệnh nhân ung thư đã tới hơn 100 người. Nội dung sinh hoạt theo chủ đề liên quan đến bệnh ung thư như: cách phát hiện, chế độ dinh dưỡng, những sai lầm trong việc điều trị. Ngoài ra, các thành viên còn tích cực trao đổi, cảnh báo về các phương thuốc mang tính gia truyền thiếu tính khoa học, có thể khiến bệnh thêm nặng, tuột dần cơ hội sống.
Buổi sinh hoạt của CLB Ung thư – BV. Quận Thủ Đức |
Tham gia ngay những ngày đầu thành lập, bà Thu Thủy, trưởng câu lạc bộ, cho biết: “Nơi đây tập trung nhiều loại bệnh ung thư nhưng phần đông là ung thư vú nên chúng tôi đổi tên gọi thành câu lạc bộ ung thư vú ,nghe cho nhẹ nhàng”.
Thay vì chỉ ở nhà, mọi người đến câu lạc bộ gặp nhau, cùng chia sẻ về cuộc sống, quá trình điều trị, dinh dưỡng… Các bác sĩ luôn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc về chuyên môn. Dù cùng nỗi buồn về căn bệnh khó chữa, nhưng mọi người luôn cố gắng hỗ trợ nhau. “Nhiều người lúc nghe bác sĩ chuẩn đoán, xỉu ngay tại chỗ hay có bệnh nhân vì xạ trị đau đớn nản lòng muốn bỏ cuộc, mọi người trong câu lạc bộ lại tìm đến động viên, góp thêm động lực để họ tiếp tục điều trị”, chị Thủy chia sẻ thêm.
Ngoài tinh thần, câu lạc bộ còn chăm sóc nhau như người nhà khi cần. Trường hợp bà Lê Thị Chiến, tỉnh Bình Dương là một ví dụ. Mắc ung thư vú di căn qua xương, bác sĩ khuyên bệnh nhân nên cắt bỏ tử cung vì nguy cơ di căn sang bộ phận này rất cao, tuy nhiên, bà Chiến từ chối vì hoàn cảnh neo đơn không người chăm, kinh tế eo hẹp. May mắn, bà Chiến nhận được sự giúp đỡ hết lòng của các thành viên câu lạc bộ.
“Khi tôi mổ, mọi người chia nhau đến chăm, trò chuyện, động viên, cho sữa bánh, tôi thấy mình không cô đơn khi chống chọi với bệnh tật”, bà Chiến nhớ lại.
Các thành viên CLB Ung thư trong chuyến dã ngoại 2017 |
Ngoài sinh hoạt định kỳ 3 tháng một lần, mỗi năm các bệnh nhân còn được tham gia chuyến du lịch dã ngoại. Đây là dịp để bác sĩ và bệnh nhân trao đổi thông tin; trải lòng với những người có cùng cảnh ngộ, để bớt bi quan, chán nản. Bác sĩ Vũ cho biết: “Từ khi thành lập câu lạc bộ, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị hầu như không còn. Ai cũng hoải mái, vui vẻ trong suốt quá trình theo dõi”.
Câu lạc bộ không chỉ dành riêng cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện hay khu vực quận Thủ Đức mà dành cho tất cả người có nhu cầu. Tuy nhiên, việc tổ chức sinh hoạt đều do các bác sĩ và điều dưỡng khoa điều phối nên khó rút ngắn thời gian.
Sắp tới, bác sĩ Vũ hy vọng với sự giúp sức từ phòng truyền thông của bệnh viện cùng các nhóm thiện nguyện, câu lạc bộ sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng. Hàng năm, chuyến du lịch được duy trì vì đây là giải pháp trị liệu tâm lý tốt cho bệnh nhân. Kinh phí các chuyến đi được huy động từ các doanh nghiệp hảo tâm.
An Tâm